Nhiều áp lực
Làn sóng nâng lãi suất tiền gửi thông qua sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức siêu lãi suất lên đến trên dưới 9%/năm đã làm tăng kỳ vọng về lãi suất huy động năm 2017 trong dân chúng và giới đầu tư. Mặc dù vẫn còn không ít ngân hàng “im lặng” trước làn sóng này,Áplựctiềmẩncủalãisuấkết quả các trận bóng thậm chí có ngân hàng còn “ngược dòng” giảm lãi suất, nhưng kỳ vọng và áp lực lên lãi suất vẫn rất lớn, bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan của hệ thống tài chính – ngân hàng.
Trong những nguyên nhân này, chủ yếu nhất đến từ quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% kể từ đầu năm 2017 của Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giới hạn, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, trong năm 2016, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tăng từ 31,8% (năm 2015) lên 35%, một số TCTD tỷ lệ này đang cao sát mức trần quy định 50%.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, nếu nguyên nhân chính khiến các ngân hàng tăng lãi suất vừa qua là do tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa tiền gửi và tiền cho vay, thì tình hình có lẽ chưa quá nghiêm trọng vì khi các ngân hàng đáp ứng được yêu cầu này, họ sẽ ngừng tăng lãi suất. “Tuy nhiên, nếu nguyên nhân dẫn đến tăng lãi suất là do thiếu tiền tiết kiệm về tổng thể trong nền kinh tế, thì mọi thứ lại khác”, TS. Độ đánh giá.
Trong diễn biến mới nhất, NHNN đã lên tiếng trấn an khi cho rằng, do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số ngân hàng TMCP có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung-cầu thị trường. Thực tế thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất. Vì thế, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng TMCP vẫn giữ ổn định.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu thông báo trên của nhà điều hành có phải chỉ là lời “trấn an” khi thị trường gợn sóng hay là tuyên bố phản ánh thực chất thị trường?
Tình hình thực tế cho thấy, các vấn đề về lạm phát, tỷ giá, trái phiếu Chính phủ hay thanh khoản của các ngân hàng đang có sức ảnh hưởng không hề nhỏ tới tình hình lãi suất hiện nay và sắp tới. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/3/2017, huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,43% (cùng kỳ năm 2016 tăng 2,26%). Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm đã tăng mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, đạt 2,81%. Như vậy, mặc dù tăng trưởng tín dụng cao hơn nhưng mức chênh lệch là không nhiều. Hơn nữa, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng những tháng gần đây được duy trì ở mức ổn định, có tăng có giảm nhưng không mạnh. Điều này cho thấy thanh khoản ngân hàng đang tương đổi ổn định, nên các ngân hàng không thể tăng lãi suất vô tội vạ để rơi vào khủng hoảng.
Bên cạnh đó, mặc dù tỷ giá vẫn luôn là điều đáng lo ngại khi có nhiều yếu tố khó dự đoán, nhưng NHNN vẫn đang điều hành khá bình ổn. Tuy nhiên, trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục tăng lãi suất USD, nhưng đồng USD lại xuống giá so với hầu hết các đồng tiền mạnh khác, Việt Nam lại đang nhập siêu, lượng kiều hối đổ về không như kỳ vọng, điều này có thể tác động tới việc điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian tới. Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2016 do biến động giá trên thị trường có mức tăng cao, nhưng vẫn được kỳ vọng giữ ở mức thấp cho tới cuối năm.
Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ, lãi suất thực (lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát) ở Việt Nam đã bị neo ở mức tương đối cao trước khi có làn sóng nâng lãi suất tiền gửi vừa qua. Theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), vào năm 2013 lãi suất cho vay thực tại Việt Nam đã ở mức trên 5%, còn vào năm 2015 là 7,3% - mức cao trong khoảng 20 năm trở lại đây, chỉ kém mức đỉnh hơn 10% của năm 1996.
“Sự gia tăng của lãi suất thực tại Việt Nam chủ yếu do lãi suất danh nghĩa giảm chậm trong khi lạm phát lại giảm tương đối nhanh. Hơn nữa, áp lực tăng lãi suất trong năm 2017 còn do huy động vốn trong năm 2016 đã tăng quá nhanh. Nếu so với tốc độ tăng thu nhập của cả nền kinh tế thì năm 2016 người gửi tiền tiết kiệm đã phần nào ứng trước tiền gửi của năm 2017. Vì vậy huy động vốn trong năm 2017 sẽ gặp nhiều khó khăn”, TS. Nguyễn Đức Độ cho hay.
Cần sự quyết liệt
Mối nguy hiểm luôn thường trực và sẵn sàng “bùng nổ” nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay là nợ xấu. Theo báo cáo của NHNN, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” và sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)”, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, nợ xấu không phải vấn đề mới nhưng đang khiến thanh khoản ngân hàng giảm và buộc ngân hàng phải tăng huy động. Vì thế, việc một số ngân hàng nhỏ có nợ xấu cao phải huy động lãi suất cao hơn là điều đã và đang xảy ra. Do đó việc giảm lãi suất còn khó khăn.
Chính vì thế, mới đây, NHNN đã đưa ra lấy ý kiến dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, phát triển bền vững cho toàn hệ thống ngân hàng nói riêng và tổng thể nền kinh tế nói chung.
Theo ý kiến từ các chuyên gia, NHNN nên tập trung đồng thời nhiều biện pháp. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, NHNN phải đẩy nhanh và mạnh quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và tiến trình xử lý nợ xấu; tìm biện pháp tăng cường huy động vốn từ dân cư để đưa vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức không quá nóng; theo dõi chặt chẽ biến cố bên trong, bên ngoài để có ứng phó kịp thời; cuối cùng là không chủ quan với lạm phát.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ nêu rõ, chúng ta có thể lạc quan về lãi suất nếu NHNN quyết tâm xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng đã mua với giá 0 đồng.
Như vậy, câu chuyện lãi suất đang được đặt trên vai của cơ quan quản lý. Mặc dù có thể động thái tăng lãi suất vừa qua là chiến lược kinh doanh với điều kiện thị trường thuận lợi để hỗ trợ, nhưng nỗi lo vẫn luôn “tiềm ẩn” khi nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến động. Hơn nữa, khi hệ thống ngân hàng đang gánh quá nhiều trọng trách của nền kinh tế vĩ mô, nhu cầu vốn được dồn về phía các tổ chức tín dụng, sức ép lãi suất sẽ không vì những thuận lợi mà giảm đi, thậm chí vẫn có nguy cơ “vỡ trận” nếu nhà điều hành thiếu sự quyết liệt và không đi đúng hướng.