Trong lúc nhà nhà đang vui xuân đón tết thì không ít hộ dân ở một số nơi trên địa bàn tỉnh lại phải đương đầu với triều cường dâng cao bất ngờ vào thời điểm đầu năm mới. Đáng nói là đợt triều cường ngoài mong đợi đó đã khiến nước mặn lấn sâu vào nội đồng,ậpmặnlạidiễnbiếnbấtthườkết quả bóng đá uefa với nồng độ vượt mức cho phép gấp nhiều lần đối với cây trồng.
Người dân xã Phương Phú lo thiếu nước ngọt tưới cho vườn cây ăn trái.
Kết quả quan trắc của ngành chuyên môn vào thời điểm trước tết cho thấy, tại cống Ba Cô, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là 11,2%o; ngã ba sông Nước Trong, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh là 12%o. Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, cho rằng so với các năm trước, độ mặn 12%o bắt đầu xuất hiện vào tháng 4, nhưng năm nay mới bước vào tháng 2, mặn đã tăng cao bất thường. Báo hiệu xâm nhập mặn sẽ gay gắt hơn vào khoảng thời điểm tháng 3, tháng 4 sắp tới. Đồng nghĩa với việc mặn xâm nhập sâu vào địa bàn Hậu Giang và đất canh tác nông nghiệp của tỉnh sẽ có nguy cơ ảnh hưởng trên diện rộng.
Nhà vườn lo lắng
Từ Tết Nguyên đán 2016 đến nay, hộ ông Lê Văn Nhớ, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, đứng ngồi không yên. Hiện 2ha cam xoàn, quýt đường trên chục năm tuổi, cùng 1ha bông súng dưới mương vườn của gia đình đang có nguy cơ bị nước mặn uy hiếp. Bởi toàn bộ vườn cây ăn trái vẫn còn biểu hiện tình trạng suy kiệt và chưa thể hồi phục được do ảnh hưởng từ đợt mặn bất thường hồi tháng 7 năm ngoái. Vậy mà đến nay, gia đình ông Nhớ lại tiếp tục hứng chịu đợt xâm nhập mặn mới vào những ngày giáp Tết cổ truyền dân tộc vừa qua.
Ông Nhớ chia sẻ: “Từ hồi tôi biết tới giờ, chưa khi nào 29, hoặc 30 tết mà có mặn. Nhưng bây giờ thì đã xuất hiện rồi. Mấy ngày qua, nước ở mương vườn bỗng nhiên trong veo, chứ mọi năm nước đục ngầu, rửa tay còn không dám. Mặn kiểu này, chúng tôi chỉ còn cách đắp đập xung quanh khu vực đất canh tác của gia đình để bảo vệ cây ăn trái. Rất mong chính quyền địa phương quan tâm vận động người dân cùng nhau gia cố hệ thống cống, đập thời vụ cho đồng bộ. Bởi ấp này, chủ yếu là vườn cây ăn trái, nếu mặn tràn vào thì thiệt hại nặng nề lắm”.
Ông Lê Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Phú, cho biết năm rồi mặn xâm nhập theo hướng Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) lên Trà Lồng (thị xã Long Mỹ) rồi mới lên Phương Phú. Còn năm nay xâm nhập mặn diễn biến rất nhanh chóng. Nếu trong một đêm, thủy triều dâng cao thì mặn sẽ xâm nhập toàn bộ địa bàn xã Phương Phú. “Chúng tôi càng lo đến tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, nhất là vườn cây ăn trái đang phát triển mạnh trên địa bàn xã. Nếu xử lý không khéo sẽ tác động đáng kể đến tiến độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con nông dân ở địa phương”, ông Huấn băn khoăn.
Tích cực ứng phó
Những ngày gần đây, mặc dù nồng độ mặn trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, đoạn qua địa bàn xã Phương Phú chưa đến 1%o, tức đã giảm gần 0,5%o so với thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Thế nhưng, chính quyền địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch xuống 24 đập thời vụ tại các đầu kênh khi nồng độ mặn lên mức 2%o để khép kín khoảng 1.500ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Ngoài ra, ở các vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái sẽ cho vận hành hệ thống cống hở, các trạm bơm điện để bơm nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho người dân.
Theo lý giải của ngành chuyên môn Hậu Giang, nguyên nhân xâm nhập mặn bất thường vào thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 vừa rồi là do mực nước thượng nguồn xuống thấp, cùng với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh đã đưa nước mặn từ Biển Đông, Biển Tây lấn sâu vào nội đồng. Điều này từ trước tới nay hầu như chưa từng có ở Hậu Giang, đặc biệt là các huyện, thị xã đầu nguồn của tỉnh. Cụ thể, vào ngày 7-2 năm nay, trên tuyến kênh Cái Côn chảy qua địa phận thị xã Ngã Bảy, độ mặn đo được lên đến 2,6%o. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, thông tin: Đơn vị đã cho lực lượng chuyên môn quan trắc xuyên suốt, liên tục để bà con nắm bắt và có biện pháp ứng phó kịp thời. Về giải pháp công trình sẽ lấy nguyên tắc nội đồng là chính nhằm phòng hờ mặn xâm nhập bất ngờ bằng cách tiếp tục rà soát, nạo vét các trục kênh để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Những nơi nào có cống sẽ cho vận hành, nơi nào không có thì thực hiện mô hình đắp đập bằng tấm bạt đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Theo nhận định, vụ lúa Đông xuân sẽ không ảnh hưởng lớn vì nhu cầu nước tưới không nhiều, nhưng cái lo lớn nhất là vụ Hè thu chính vụ 2016 sắp tới, cho nên ngành sẽ tập trung chỉ đạo công tác xuống giống. Theo đó, chỉ gieo sạ đối với những cánh đồng nào dự báo hạn, mặn không uy hiếp, còn lại sẽ dời vào đầu tháng 5 tới đây.
Bài, ảnh: GIA NGUYỄN