Lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên QL1A qua địa bàn TX. Hương Trà. Ảnh: DUY BÙI |
Một con số từ Ban ATGT tỉnh qua 9 tháng đầu năm 2023, các ngành chức năng ra quân kiểm tra trật tự ATGT trên địa bàn đã phát hiện 46.097 trường hợp vi phạm. Trong số này có 12.175 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, với 152 chủ phương tiện ô tô và 12.023 mô tô… Đáng nói hơn, sau những lần ra quân thực hiện chuyên đề về nồng độ cồn, ma túy trên các quốc lộ (QL) ở địa phương gần đây với sự phối hợp giữa các Tổ công tác của Bộ Công an và Công an tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý thêm hàng trăm trường hợp vi phạm.
Kết quả trên cho thấy, tình hình trật tự ATGT trên tuyến QL ở địa phương còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT). Điều này cũng lý giải vì sao các thông tin, hình ảnh liên quan đến việc xử lý vi phạm về ATGT trên các tuyến QL1A ở Thừa Thiên Huế được đăng tải trên báo, đài luôn nhận được sự quan tâm của dư luận.
“Ai cũng biết hậu quả của việc say rượu, bia, không làm chủ được tay lái, tốc độ không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người khác mà cả với chính người điều khiển phương tiện. Pháp luật đã quy định rất rõ các hành vi vi phạm và mức xử lý, vì vậy chỉ cần lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh thì sẽ góp phần ngăn chặn được TNGT”- ông Nguyễn Bá Lạc (thị trấn Phong Điền, Phong Điền) chia sẻ.
Việc xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự giao thông, nhất là xử lý vi phạm nồng độ cồn thường xuyên, liên tục thực sự có tính răn đe, giáo dục. Hiện nay nhiều người không dám uống rượu, bia khi lái xe. Tình trạng ép uống rượu, bia cũng giảm bớt. Qua đó góp phần kéo giảm các vụ TNGT có nguyên nhân trực tiếp từ bia, rượu.
“Để kéo giảm TNGT, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, còn một việc phải cương quyết làm, đó là nghiêm túc trong thi hành công vụ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ để góp phần kéo giảm TNGT có nguyên nhân trực tiếp do điều khiển xe khi đã uống bia, rượu. Việc xử lý vi phạm thường xuyên, không có vùng cấm, không có ngoại lệ một lần nữa khẳng định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”- ông Lê Văn Thái (P. Xuân Phú, TP. Huế) nói.
Từ khi lực lượng chức năng xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, nếu phát hiện người vi phạm là cán bộ, đảng viên… thì ngoài việc xử lý theo quy định, còn gửi thông báo đầy đủ lỗi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức của người vi phạm để xử lý trách nhiệm theo quy định nên ai cũng sợ, từ đó không dám vi phạm. Quy định này là một giải pháp dễ làm nhưng thiết thực hiệu quả góp phần kìm hãm TNGT nên cần tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa, tránh việc “đánh trống bỏ dùi” .
Phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm nồng độ cồn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người. Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới nêu rõ “Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị”.
Tại hội nghị giao ban ATGT tỉnh gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, việc xử lý vi phạm giao thông với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Việc tổ chức thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát phải trên cơ sở công tác nghiệp vụ cơ bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm ATGT… |