Công tác bảo trì ngày càng chất lượng hiệu quả. Ảnh: tư liệu |
Phần lớn đường bộ do địa phương quản lý, bảo trì
Theo Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), toàn bộ mạng lưới các loại đường bộ của nước ta hiện nay dài khoảng 610.000 km, trong đó: Các loại đường địa phương, đường chuyên dùng dài 585.073 km (chiếm 95,9% toàn bộ chiều dài đường cả nước). Toàn bộ các đường này do các địa phương đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì; hệ thống quốc lộ dài 24.927 km và 271 km đường cao tốc (chiếm 4,1%) đã đưa vào khai thác mà sử dụng ngân sách trung ương do Cục ĐBVN tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác sử dụng.
Trong số 24.927 km quốc lộ hiện nay, các khu quản lý đường bộ (QLĐB) trực tiếp tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác 8.811 km (chiếm 35,3% chiều dài quốc lộ); ủy quyền cho các sở GTVT trực tiếp tổ chức quản lý, bảo trì, khai thác sử dụng 13.787 km (chiếm 55,3% chiều dài các quốc lộ). Còn lại 2.130 km quốc lộ (kể cả đường gom, đường nhánh cao tốc), chiếm 8,5% chiều dài quốc lộ do các nhà đầu tư BOT quản lý, khai thác, bảo trì và một số đoạn đang đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở trọng trong các dự án đầu tư công.
Hiện, Bộ GTVT chỉ giao Cục ĐBVN trực tiếp quản lý 2,2% chiều dài đường bộ cả nước, tương đương với 13.480 km đường bộ, trong đó đối với 2.000 km quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT thì Cục ĐBVN chỉ giám sát, kiểm tra các nhà đầu tư BOT thực hiện theo hợp đồng và theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, giám sát kiểm tra VEC quản lý, khai thác bảo trì 500 km đường cao tốc VEC đầu tư và khai thác.
Như vậy, tính chung đến nay, các địa phương đang quản lý, bảo trì 598.860 km gồm cả đường địa phương và quốc lộ được ủy quyền (chiếm 98,1% tổng chiều dài đường bộ cả nước). Trong thời gian tới, các khu QLĐB tiếp tục nhận bàn giao để tổ chức quản lý, bảo trì, khai thác sử dụng đối với các tuyến cao tốc đang khai thác tạm, các tuyến cao tốc sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng công trình.
Về phân cấp, hiện nay để phân cấp các địa phương quản lý, bảo trì quốc lộ bằng vốn của địa phương, hoặc sử dụng vốn ngân sách trung ương thông qua giao dự toán của Chính phủ, Bộ Tài chính cho địa phương cần sửa Luật Giao thông đường bộ 2008 và các luật về ngân sách nhà nước.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát về chất lượng
Cũng theo Cục ĐBVN, năm 2024, Cục ĐBVN đã có chỉ đạo sẽ tăng cường và có các hành động cụ thể hơn, các chỉ tiêu cao hơn để kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng quản lý, bảo trì. Theo đó giao khu, sở GTVT, ban quản lý dự a tự kiểm tra chất lượng đối với 100% các dự án sửa chữa và công tác duy tu bảo dưỡng 100% các tuyến quốc lộ; lựa chọn 30-50% số dự án sửa chữa của mỗi đơn vị để thuê tư vấn độc lập kiểm định, đánh giá chuyên sâu về chất lượng để mang tính tuyên truyền, răn đe và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, do đó công tác này đã phát huy tác dụng, hiệu quả trong bảo đảm chất lượng quản lý, bảo trì.
Thêm vào đó, việc xây dựng phương án và thẩm định, phê duyệt phương án tổ chức đường cao tốc là công việc cần thiết, quan trọng, đã được phân cấp cho Cục ĐBVN. Tuy nhiên, đối với các tốc đầu tư phân kỳ có 2 làn xe/2 chiều (mỗi chiều 1 làn) thì có khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu cho xe tránh, vượt ở các đoạn chưa đầu tư 4 làn/2 chiều. Chính vì vậy, Cục ĐBVN đã đề xuất theo hướng các đoạn có 2 làn xe mỗi chiều 1 làn trong khu vực đường thẳng, tầm nhìn thông thoáng, không trong khu vực đèo dốc thì đề xuất điều chỉnh vạch sơn tim chia 2 chiều xe chạy bằng nét đứt, thay nét liền, đồng thời điều chỉnh nét liền phân chia làn xe ô tô 3,5 m với phần lề gia cố bằng nét liền.
Như vậy khi xe sau cần vượt xin tín hiệu, xe trước sẽ đánh vào phần lề gia cố, xe ngược chiều cũng đánh vào phần lề gia cố của chiều đường bên kia, tạo điều kiện cho xe vượt an toàn, tránh xảy ra đối đầu. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp kỹ thuật đối với tình huống đường phân kỳ đầu tư 2 làn. Bên cạnh đó cũng còn các công việc như rà soát để điều chỉnh, bổ sung báo hiệu đường bộ… nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Còn kiến nghị về căn cơ, Cục ĐBVN đã đề nghị Bộ GTVT xem xét từng bước đầu tư hoàn chỉnh các đường cao tốc phân kỳ đầu tư, xây dựng hệ thống ITS, các cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý, chỉ huy, điều hành giao thông.
Còn trong công tác thẩm định, phê duyệt chấp hành đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, giá, đơn giá theo quy định, cắt giảm các hạng mục chưa cần thiết. Do đó chỉ tính riêng 2023, thông qua công tác thẩm định các dự án trong kế hoạch đã tiết kiệm được 396,7 tỷ đồng.
Báo cáo cho thấy, năm 2023 đã tiết kiệm được 622,4 tỷ đồng/vốn giao là 11.750 tỷ đồng, bằng 5,3 %. Chưa kể giảm chi thanh toán khi nghiệm thu dự án sửa chữa giảm do kiểm soát đánh giá chất lượng bảo dưỡng…
Áp dụng thống nhất một mẫu hồ sơ mời thầu Một công việc cực kỳ quan trọng góp phần tăng hiệu quả công tác bảo trì, tiết kiệm kinh phí, đó là Cục ĐBVN đã ban hành mẫu hồ sơ mời thầu cho các gói thầu sửa chữa có quy mô nhỏ và trên quy mô nhỏ, áp dụng thống nhất, tránh tình trạng quy định thiếu thống nhất, quy định các điều kiện cá biệt, không cần thiết làm giảm tính cạnh tranh. Kết quả năm 2023, các đơn vị đã tiết kiệm được 225,7 tỷ đồng thông qua đấu thầu. |