ThS Lê Văn Điện (Trường Chính trị TPCT)
Bước sang thời kỳ đẩy mạnh CNH,àinétvềđặcđiểmvàbiểuhiệncủachủnghĩacánhântheoquanđiểmHồChíkết quả bóng đá anh tối qua HĐH đất nước, nhiều giá trị cá nhân được trân trọng và thừa nhận, vai trò cá nhân được khẳng định và được quan tâm đúng mức hơn, được cổ vũ như một yếu tố, một khâu có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện các nhiệm vụ của xã hội trong giai đoạn mới. Nhờ sự khẳng định đó, vai trò cá nhân đã được xác lập và ngày càng phát triển, cho nên những lợi ích chính đáng của cá nhân cũng được tôn trọng và đề cao, đặc biệt là các lợi ích vật chất. Nhưng cũng từ sự đề cao và khuyến khích lợi ích vật chất của cá nhân lại làm cho con người dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Các cấp ủy đảng trên địa bàn TP Cần Thơ luôn chú trọng công tác chính trị, tư tưởng để cán bộ, đảng viên nắm vững, tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong ảnh: Cán bộ chủ chốt và cán bộ hưu trí thành phố dự hội nghị quán triệt các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến. Ảnh: ANH DŨNG
Chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm tất yếu của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Nó là tư tưởng chủ đạo chi phối mọi ý nghĩ, tình cảm và việc làm của giai cấp bóc lột trong các chế độ cũ. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm của con người trong chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng" [4; tr.602]. Bởi vậy, muốn chống chủ nghĩa cá nhân, trước hết cần phải nhận thức rõ những đặc điểm và biểu hiện chủ yếu nhất của nó.
Những đặc điểm và biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân
- Thứ nhất, núp dưới vỏ bọc tôn trọng quyền tự do cá nhân, chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối hóa cái "Tôi", lấy bản thân mình làm trung tâm, đối lập cá nhân với cộng đồng xã hội. Tự do cá nhân được đề cao tới mức hoàn toàn tách rời, đối lập với sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Về thực chất, chủ nghĩa cá nhân cản trở sự tiến bộ xã hội, phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Về đặc điểm này của chủ nghĩa cá nhân và tác hại của nó, Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích không làm" [4; tr.249].
Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ những "căn bệnh" do chủ nghĩa cá nhân sinh ra và những "biến chứng" nguy hiểm của nó: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ "chí công vô tư", cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” [2; tr.295] trong đó, có một số chứng bệnh mà người cán bộ, đảng viên khi có quyền, có chức thường dễ mắc phải như “bệnh tham lam”, “bệnh lười biếng”, “bệnh kiêu ngạo”, “bệnh hiếu danh”, “thiếu kỷ luật”, “óc hẹp hòi”, “óc địa phương”, “óc lãnh tụ” [2; tr.295-296]. Những căn bệnh này một khi nhiễm vào người cán bộ có chức, có quyền thì họ chỉ tìm cách mưu lợi cho bản thân, cho bạn bè cánh hẩu, cho người thân trong họ hàng, gia đình mình, bất chấp lợi ích chung của tập thể, xã hội. Nghĩa là, họ chỉ chăm lo cho lợi ích của riêng mình, lợi ích "bộ phận" của cơ quan, đơn vị, địa phương mình mà "quên" trách nhiệm chăm lo cho lợi ích "toàn bộ" của nhà nước, của quốc gia, dân tộc. Trong nhiều trường hợp, họ còn lợi dụng danh nghĩa "vì lợi ích chung" để vun vén cho lợi ích riêng. Những cán bộ như vậy thường biến chất một cách nhanh chóng từ "người cán bộ cách mạng" thành các "ông quan cách mạng", thành bọn "cường hào mới" trong những lĩnh vực, những cơ quan, đơn vị, địa phương mà họ được nắm quyền lãnh đạo, quản lý. Lúc này "lợi ích" không còn được hiểu một cách đúng đắn là cơ sở của đạo đức mà đã trở thành động lực thúc đẩy những hành vi vô đạo đức của những người có trong tay quyền lực. Hậu quả những việc làm vô đạo đức của họ không đơn giản chỉ ảnh hưởng đến một vài cá nhân mà còn tác động xấu đến một bộ phận lớn trong xã hội, thậm chí toàn xã hội. Nhìn chung, những người cá nhân chủ nghĩa thường là lợi dụng địa vị, quyền lực của Đảng, Nhà nước trao cho để làm giàu bất chính.
- Thứ hai, chủ nghĩa cá nhân coi lợi ích cá nhân là mục đích cơ bản của hoạt động và là tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá, xem xét mọi hiện tượng xung quanh. Cho nên động cơ và mục đích của người cá nhân chủ nghĩa trong hoạt động của mình bao giờ cũng tuân theo nguyên tắc có lợi cho bản thân: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”" [6; tr.90]. Con người cá nhân chủ nghĩa sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, bất chấp cả đạo đức và luật pháp để thỏa mãn những nhu cầu, lợi ích của mình. Đây chính là nguyên nhân tạo nên sự tha hóa về đạo đức, lối sống, sự coi thường kỷ cương pháp luật trong xã hội. Bởi thế, Hồ Chí Minh cho rằng: Chủ nghĩa cá nhân "nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v.. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội" [6; tr.90].
- Thứ ba, trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, chủ nghĩa cá nhân dẫn dắt con người đến chỗ nhận thức phiến diện, một chiều, cá nhân chỉ thấy quyền lợi, đòi hỏi quyền lợi từ phía xã hội mà không ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với xã hội, “Chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội” [6; tr.66]. Hồ Chí Minh cho rằng những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân: "Họ không lo "mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình" [7; tr.547] "Về vật chất thì chỉ muốn hưởng thụ, công việc làm thì không muốn xung phong, thế là không tốt" [5; tr.335]. Sống trong xã hội, mỗi cá nhân là một nhân tố cấu thành xã hội, do đó, cá nhân có quyền đón nhận và hưởng thụ những thành quả lao động chính đáng của mình từ phía xã hội. Song cũng phải có nghĩa vụ cống hiến cho xã hội, đó là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân với tư cách thành viên của xã hội. Chính sự điều chỉnh cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ mà xã hội loài người mới tồn tại và phát triển. Chủ nghĩa cá nhân dẫn dắt con người đến sự phá vỡ sự cân bằng đó, vì vậy, nó cũng là nguyên nhân phá vỡ mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và xã hội.
Có thể thấy đặc trưng nổi bật của chủ nghĩa cá nhân là tính ích kỷ, hẹp hòi, thiển cận chỉ chăm lo vun vén cá nhân, thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của riêng mình mà không quan tâm đến lợi ích của người khác, lợi ích của cộng đồng, xã hội như Hồ Chí Minh chỉ rõ “chủ nghĩa cá nhân chỉ thấy lợi ích riêng của mình, không thấy lợi ích chung của tập thể” [5; tr.335]. Đặc trưng ấy phản ánh tính chất vô đạo đức của chủ nghĩa cá nhân, nó đối lập hoàn toàn với bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa. Do vậy, chủ nghĩa cá nhân là mặt trái, là yếu tố kìm hãm sự phát triển của cá nhân trong xã hội mới.
Trên thực tế, thật không dễ dàng trong việc nhận diện chủ nghĩa cá nhân. Bởi lẽ, chủ nghĩa cá nhân thường được khoác nhiều màu sắc khác nhau, và đều nhân danh cái chân, thiện, mỹ để hành động. Không hiếm trường hợp những kẻ nham hiểm, xảo quyệt lại mang bộ mặt người rất thánh thiện và đạo đức. Vì vậy, để nhận biết được chủ nghĩa cá nhân đích thực, cần phải có thái độ khách quan, khoa học và phương pháp nhận thức đúng đắn.
Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta với sự tồn tại đan xen của nhiều quan hệ kinh tế, xã hội phức tạp. Duy trì sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế, đương nhiên sẽ không chỉ tồn tại một hình thức sở hữu duy nhất của Nhà nước hay tập thể mà bên cạnh đó còn nhiều hình thức sở hữu khác. Trong khi đó, cơ chế vận hành của nền kinh tế nhiều thành phần là cơ chế thị trường, mọi thành phần kinh tế, mọi tập thể cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế đều có cơ hội cạnh tranh ngang nhau vì lợi ích. Trong cơ chế thị trường, lợi ích cá nhân được coi trọng, được khuyến khích thì nguy cơ sa vào chủ nghĩa cá nhân càng hiển hiện. Như vậy có thể nhận định, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay là thời kỳ còn duy trì nhiều thành phần kinh tế, nhiều quan hệ sản xuất, nhiều mâu thuẫn, nhiều qui luật, nhiều lợi ích khác nhau. Đó chính là cơ sở kinh tế - xã hội thuận lợi cho sự tồn tại, phát triển và gây tác hại của chủ nghĩa cá nhân.
Có thể nói chủ nghĩa cá nhân ở nước ta hiện nay mang tính dung hợp và pha tạp của các loại chủ nghĩa cá nhân: phong kiến, tiểu tư sản, tư sản. Nó là nguyên nhân tạo nên những căn bệnh trầm trọng, phổ biến như: thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vô trách nhiệm trong công việc; thói đạo đức giả, ngạo mạn đẳng cấp, đặc quyền, đặc lợi, mất dân chủ, bè phái, quan liêu, cơ hội; thêm vào đó là sự tác động của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ cực đoan tư sản với lối sống ích kỷ, thực dụng, vì tiền, tuyệt đối hóa lợi ích kinh tế, vật chất v.v. đang chi phối không ít cán bộ, đảng viên trong đó có cả những cán bộ giữ vai trò chủ chốt trong các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp. Từ lâu, Đảng ta đã chỉ rõ, có "Một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, lãng phí của công, quan liêu, ức hiếp dân, gia trưởng độc đoán; có tham vọng cá nhân, cục bộ, kèn cựa địa vị, cơ hội, kém ý thức tổ chức kỷ luật...'' [1; tr.68]. Thực chất, đây là những biểu hiện của một loại chủ nghĩa cá nhân mới có tính chất pha tạp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Sự cùng tồn tại, pha trộn và cùng gây tác hại của các loại chủ nghĩa cá nhân nêu trên tạo nên một nguy cơ làm "ô nhiễm’ môi trường đạo đức xã hội, làm tha hóa nhân cách cá nhân. Do đó, "Cần sớm khắc phục tình hình này, nếu để kéo dài và phát triển thì sẽ dẫn tới nguy cơ không lường hết được" [1; tr.26].
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để khắc phục chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn hiện nay cần phải thực hiện tốt lời căn dặn của Bác "để ngăn ngừa cái xấu ấy, Đảng ta từ trên đến dưới phải chú trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng, tăng cường tinh thần cảnh giác, mở rộng tự phê bình và phê bình" [3; tr.509].
-----------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ ba khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 11.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 13.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15.