Trong bối cảnh đó, một câu hỏi được đặt ra là kế hoạch của Hy Lạp để giải quyết khoản nợ khổng lồ 320 tỷ euro, tương đương 174% sản lượng kinh tế của quốc gia này sẽ như thế nào khi bộ ba chủ nợ là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cương quyết không xóa nợ cho Hy Lạp? Điều gì sẽ xảy ra nếu chương trình cứu trợ hiện tại của EU kết thúc? Hy Lạp không muốn mở rộng chương trình cho vay này hoặc nhận những khoản tài trợ mới. Gói cứu trợ này sẽ kết thúc vào ngày 28/2. Tuy nhiên, Hy Lạp muốn được nhận những khoảng lợi nhuận mà ECB có được từ việc mua trái phiếu chính phủ của Hy Lạp và các khoản nợ chính phủ được giao dịch trên thị trường. Khoản tiền trị giá 1,9 tỷ euro này được hứa hẹn sẽ trả cho Hy Lạp tuy nhiên vẫn chưa được bàn giao. Hy Lạp cũng sẽ không rơi vào tình trạng “hết tiền” ngay lập tức. Chính phủ cho biết có khả năng thanh toán các khoản chi tiêu đến tháng 6. Thu thuế cũng sẽ đủ để chi trả cho chi tiêu chính phủ, bên cạnh việc trả nợ. Tuy nhiên, tình hình có thể trở nên rắc rối vào cuối tháng 2 khi thỏa thuận cứu trợ của EU sẽ hết hạn. Sau thời gian này, Hy Lạp sẽ đối mặt áp lực trả nợ lớn. Với sự không chắc chắn, ECB đã quyết định dừng chấp nhận trái phiếu chính phủ Hy Lạp như là khoản thế chấp cho các khoản vay đối với các ngân hàng. Trên thực tế, các ngân hàng Hy Lạp đang rất cần tiền bởi vì khối lượng lớn tiền gửi đang bị rút ra. Khoản tiền gửi của khu vực tư nhân ở các ngân hàng Hy Lạp giảm xuống 4 tỷ euro trong tháng 12 và nguồn tin từ ngân hàng cho biết con số sụt giảm trong tháng 11 lên tới 11 tỷ USD. Trong khi đó, ECB lại có những hành động làm cho việc vay từ ECB trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn. Nếu ECB dừng hoàn toàn việc cho vay đối với các ngân hàng Hy Lạp sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng xảy ra tại đây và Chính phủ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc lại đưa đồng drachma vào thị trường (đồng tiền của Hy Lạp). Hy Lạp có thể tìm được tài trợ từ các nguồn khác hay không? Nếu ECB dừng cứu trợ cho Hy Lạp, Hy Lạp có thể nhận được tiền từ ngân hàng trung ương dưới hình thức hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA). Tuy nhiên, ECB có thể phủ quyết và thực tế đã đưa ra lời đe dọa sẽ làm như vậy trong quá khứ trước những thỏa thuận cứu trợ dành cho Ireland và Cyprus. Các nhà lãnh đạo mới của Hy Lạp cũng muốn sử dụng tín phiếu kho bạc – một loại trái phiếu chính phủ ngắn hạn không phải trả lãi cho đến khi đáo hạn để huy động vốn. Cơ hội thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ? Có nhiều lựa chọn có khả năng làm dịu đi gánh nặng trả nợ, bao gồm cắt giảm lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ hoặc có thể là hoán đổi nợ. Khả năng Hy Lạp rời Eurozone (Grexit) có thể sẽ xảy ra nếu quốc gia này vỡ nợ. Một chuyên gia người Đức cho rằng khả năng Grexit xảy ra đã tăng từ 0% lên tới 20%. Một luật sư của ECB cho biết không có cơ sở pháp lý nào cho việc bắt buộc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu. Và nếu Hy Lạp rời Eurozone cũng có nghĩa rằng Hy Lạp phải rời khỏi EU. Trên thực tế, với một đất nước mà ngân hàng không nhận được tiền từ ECB sẽ có rất ít lựa chọn ngoại trừ quay trở lại với đồng tiền riêng của mình. Cuộc đàm phán khủng hoảng nợ Hy Lạp với Eurozone kéo dài 7 giờ đồng hồ tại Brussels ngày 11/2 không đạt được bất cứ kết quả khả quan nào. Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đành phải quyết định sẽ nối lại vòng đàm phán vào ngày 16/2 - thời khắc cuối cùng quyết định “vận mệnh” gói cứu trợ tương lai của Hy Lạp.
Mai Linh (theo BBC) |