Cần xuất trình tờ khai khi mua gom Trước đó, để tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, về thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hoạt động thu gom hàng hóa của cư dân biên giới, Bộ Tài chính dự kiến hai phương án: Một là phải xuất trình các tờ khai hàng cư dân biên giới; hai là, khi thương nhân làm thủ tục hải quan đối với hàng mua gom không phải xuất trình kèm tờ khai cư dân biên giới, để tạo thuận lợi cho cư dân và thương nhân hoạt động mua gom. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, việc xuất trình tờ khai cư dân biên giới là cần thiết nhằm tránh tình trạng trốn thuế. Cùng quan điểm, Bộ Ngoại giao đề nghị giữ nguyên quy định về tờ khai hải quan và bảng kê để tránh tình trạng hợp thức hóa cho các lô hàng đã thẩm lậu, trôi nổi trên thị trường, dùng hình thức mua gom để hợp lý hóa số hàng này. Quy định về việc dùng tờ khai sẽ mang tính pháp lý cao, có thể dùng làm chứng từ đi đường khi vận chuyển vào nội địa, dùng làm căn cứ cho việc làm thủ tục hải quan cho hàng hóa mua gom. Bộ Ngoại giao đề nghị rà soát, thiết kế tờ khai cư dân biên giới theo hướng đơn giản, dễ thực hiện cho cư dân biên giới mà vẫn đảm bảo quản lý cho cơ quan Hải quan. Quản lý nhà nước của cơ quan Hải quan đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới, Tổng cục Hải quan từng dự kiến hai phương án. Phương án 1, Tổng cục Hải quan xây dựng phần mềm quản lý đối với hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới trên cơ sở mã vạch đã được lực lượng Biên phòng cấp trên sổ thông hành quản lý cư dân biên giới. Phương án 2, Tổng cục Hải quan xây dựng phần mềm quản lý riêng đối với tờ khai cư dân biên giới, có mã vạch để kiểm tra tờ khai đã hoàn thành thủ tục hải quan khi thương nhân làm thủ tục NK hàng mua gom của cư dân biên giới. Theo Bộ Ngoại giao, cơ quan Hải quan không cần xây dựng phần mềm riêng có mã vạch để kiểm tra tờ khai cư dân biên giới vì phương án này sẽ phải đầu tư hạ tầng thiết bị kỹ thuật lớn, tốn kém và tạo sự chồng chéo giữa thủ tục biên phòng và thủ tục hải quan gây khó khăn cho việc thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu và có thể ảnh hưởng đến việc triển khai mô hình “một cửa, một điểm dừng” tại một số cửa khẩu. Thực tế, hiện nay tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu có lượng người xuất nhập cảnh lớn, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã lắp đặt thiết bị đọc mã vạch dán báo Sổ thông hành của cư dân biên giới. Tại một số cửa khẩu đã viết được phần mềm quản lý kiểm tra trên mã vạch sổ thông hành của cư dân biên giới và xây dựng được phần mềm chương trình quản lý tính thuế của cư dân biên giới trên Bảng kê có các tiêu chí như thiết kế tại tờ khai XNK hàng cư dân biên giới. Nên việc tiếp nhận và sử dụng khai thác trên phạm vi các cửa khẩu toàn quốc là có thể đáp ứng được. Cùng với đó, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, phương án cơ quan Hải quan xây dựng phần mềm riêng quản lý tờ khai cư dân biên giới sẽ khá phức tạp và không đảm bảo tính thống nhất với hồ sơ mà lực lượng Biên phòng đã cấp. Đưa thực tế vào quy định Là những địa bàn sẽ chịu tác động trực tiếp từ những quy định tại Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại biên giới, UBND tỉnh Tây Ninh đưa ra một số ý kiến phù hợp với thực tế địa bàn. Theo đó, Bộ Tài chính cần hướng dẫn rõ hơn hàng hóa của cư dân biên giới nằm trong Danh mục được phép mua bán, trao đổi có phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành hay không. Bởi, dự thảo đang quy định hàng hóa của cư dân biên giới nằm ngoài Danh mục được phép mua bán, trao đổi phải thực hiện kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị bổ sung thêm quy định cửa khẩu phụ, lối mở không có lực lượng Hải quan thì Bộ đội Biên phòng thực hiện các quy định về thủ tục đối với thương nhân mua bán hàng hóa qua biên giới. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thủ tục, mẫu biểu sử dụng khi cư dân biên giới XK, NK hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở không có lực lượng Hải quan thì lực lượng Biên phòng làm thủ tục cho cư dân biên giới. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có nhiều cửa khẩu phụ, lối mở được UBND tỉnh cho phép cư dân mua bán, trao đổi hàng hóa và giao nhiệm vụ cho Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện thủ tục cho cư dân biên giới tại những nơi không có lực lượng Hải quan. Trong khi đó, số lượng hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới tại các cửa khẩu phụ, lối mở này tương đối nhiều, do vậy theo UBND tỉnh Tây Ninh nội dung hướng dẫn này sẽ rất cần thiết để địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần hướng dẫn thủ tục NK đối với cư dân biên giới là công dân nước có chung biên giới có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới mang hàng hóa từ nước có chung biên giới qua các cửa khẩu, lối mở vào Việt Nam mua bán, trao đổi. Theo UBND tỉnh Tây Ninh, thực tế tại các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn tỉnh có phát sinh trường hợp cư dân biên giới là người Campuchia mang hàng hóa sản xuất từ Campuchia qua các cửa khẩu, lối mở vào Việt Nam để mua bán, trao đổi với người Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định đề cập đến vấn đề này. |