Hội đã chủ trì và thực hiện thành công 5 đề tài trọng điểm cấp tỉnh (trong đó,ấuấnsửhọkeonhacai.com vn đề tài: Địa chí Thừa Thiên Huế phần dân cư-hành chính đạt giải nhất giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2014); và 2 đề tài cấp quốc gia, đó là Tổ chức và hoạt động biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn (được tặng giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ năm 2017), đề tài Lịch sử Việt Nam tập 11 (1558-1771), sắp nghiệm thu.
Hoạt động thực địa của Hội Khoa học lịch sử. Ảnh: Minh Hiền
Hội cũng đã chủ trì và chủ động phối hợp, tổ chức có hiệu quả 29 hội thảo khoa học mang tầm vóc quốc gia tiêu biểu, như: Biến cố kinh đô Huế và phong trào Cần Vương (1885-1888), Nguyễn Cư Trinh -quê hương-thời đại và sự nghiệp, Vua Duy Tân và cuộc vận động khởi nghĩa Trung kỳ năm 1916..., trong đó có hai hội thảo lần đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức tại Huế: Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc vào thế kỷ XIX và Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử; ba hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế (Hoa Kỳ, Nhật bản, Canada, Australia) đó là : Đô thị Thừa Thiên Huế: Đặc điểm lịch sử và luận chứng phát triển; Phan Bội Châu và phong trào Đông Du; Đàng Trong thời chúa Nguyễn.
Từ năm 2016, UBND tỉnh đã giao cho Hội KHLS tổ chức diễn đàn đối thoại sử học hàng năm. Bước đầu, hội đã tổ chức thành công hai diễn đàn đối thoại sử học với chủ đề: Hành trình Festival Huế (2000-2016); Đặc điểm du lịch Thừa Thiên Huế và giải pháp phát triển. Đây là nét mới trong hoạt động sử học, không chỉ hàm chứa dung lượng khoa học thuần túy, mà còn mang tính thực tiễn cao trước những vấn đề lớn mang tính đặc thù của Thừa Thiên Huế, thông qua hình thức đối thoại và phản biện khoa học.
Các cuộc hội thảo khoa học và đối thoại sử học đã quy tụ được sự tham gia đông đảo của giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học, kiến trúc, các nhà khoa học có uy tín, nhà quản lý, lãnh đạo trong nước. Qua các cuộc hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử vùng đất Thuận Hóa-Thừa Thiên Huế, của dân tộc Việt Nam, mối quan hệ giữa Thừa Thiên Huế và các vùng miền trong dặm dài lịch sử, cùng nhiều nhân vật, sự kiện lịch sử trong nước, quốc tế mà xã hội quan tâm. Ở chừng mực nhất định, nó còn là cơ sở khoa học khách quan và đáng tin cậy gợi mở đối với lãnh đạo tỉnh, các ngành và địa phương trong tỉnh, khi hoạch định chính sách, quy hoạch, tổ chức, điều hành và quản lý.
Cùng với việc chủ trì và phối hợp tổ chức các đề tài khoa học, công tác xuất bản đã được hội chú trọng một cách bài bản, đều đặn, liên tục, đây là thế mạnh vốn có của Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế. Hầu hết các đầu sách đã xuất bản là sản phẩm của các đề tài khoa học, các cuộc Hội thảo khoa học do hội chủ trì và tổ chức (được biên tập cẩn trọng, chỉnh sửa và nâng cao). Tính từ năm 2007, hội đã phối hợp với các Nhà xuất bản như Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Nhà xuất bản Tri thức, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Nhà xuất bản Văn hóa-văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đà Nẵng... xuất bản được 25 đầu sách với số lượng hơn 18.000 bản; trong đó, các cuốn: Huế và triều Nguyễn của GS.Phan Huy Lê, Huế trong tôi của GS.Đinh Xuân Lâm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Nổi bật nhất là “Seri” 5 cuốn sách về biển đảo Việt Nam: Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc thế kỷ XIX, Triều Nguyễn với chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa-Trường Sa chủ quyền của Việt Nam, Tổ chức và hoạt động phòng thủ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885, Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử.
Không thể không nhắc đến Huế Xưa & Nay (Tạp chí nghiên cứu, phổ biến kiến thức lịch sử-văn hóa của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh). Với 26 năm hoạt động kể từ khi ra số đầu tiên năm 1992, mỗi năm ra 6 số, đến nay đã xuất bản được 149 số với trên 10 vạn bản. Là một tạp chí ra đời sớm trong số ít tạp chí của các Hội Khoa học Lịch sử trong cả nước, hoạt động ổn định, có uy tín, từng bước khẳng định “thượng hiệu” riêng có của vùng đất Cố đô, được sự quan tâm tham gia của giới nghiên cứu lịch sử, bạn đọc trong và ngoài nước.
Để có những con số biết nói ấy là cả một hành trình ròng rã 30 năm chung tay, góp sức, vượt qua khó khăn thử thách của các thế hệ lãnh đạo hội, của 216 hội viên hiện nay (trong đó, có 14 phó giáo sư, 29 tiến sĩ, cán bộ chủ chốt của tỉnh, nhiều cán bộ lão thành và nhà nghiên cứu lâu năm); và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, chỉ đạo của Hội KHLS Việt Nam, sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Hội (nhất là vai trò đầu tàu của Chủ tịch Hội) trong việc phát huy nội lực, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, kết nối và quy tụ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước, triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tạo dấu ấn đậm nét về tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, xuất bản sách và tạp chí hoạt động sử học.
LÊ VIẾT XUÂN