Anh Lư Thành Công (Bảy Công) nhấc cái máy đuôi tôm xuống chiếc xuồng cắt lái rồi rồ ga phóng vọt qua con đập mấp mé nước, băng qua dòng kinh xáng Ô Rô. Lung Tắc Kè - kinh Thuỷ Lợi cách đó không lâu được thấy trên tờ bản đồ giờ đang hiện ra trước mắt. Đoạn kinh này ít người ở nên 2 bên bờ xáng, sậy và cây lức mọc rợp mặt đất. “Nó vẫn hoang sơ như cách nay hơn 10 năm, chỉ khác chỗ là trước đây toàn đồng ruộng, bây giờ thì vuông tôm”, anh Công lý giải.Anh Lư Thành Công (Bảy Công) nhấc cái máy đuôi tôm xuống chiếc xuồng cắt lái rồi rồ ga phóng vọt qua con đập mấp mé nước, băng qua dòng kinh xáng Ô Rô. Lung Tắc Kè - kinh Thuỷ Lợi cách đó không lâu được thấy trên tờ bản đồ giờ đang hiện ra trước mắt. Đoạn kinh này ít người ở nên 2 bên bờ xáng, sậy và cây lức mọc rợp mặt đất. “Nó vẫn hoang sơ như cách nay hơn 10 năm, chỉ khác chỗ là trước đây toàn đồng ruộng, bây giờ thì vuông tôm”, anh Công lý giải. Chiếc xuồng cắt lái rẽ nước băng băng vào kinh Thuỷ Lợi. Chỉ gần 1 cây số mà nước dưới kinh chuyển đổi mấy màu: trong, vàng, trắng đục. Mùi nước thì càng đi sâu vào cuối kinh càng nghe khó chịu. Bức tử lung tắc kè Anh Bảy Công bước xuống chiếc xuồng be tám, nhổ sào chống ra xa phía bên kia chòi vuông tôm tìm dỡ mấy cái lọp cua. Phía dưới mép kinh Thuỷ Lợi, mùi tanh của nước do ứ đọng lâu ngày bốc lên nồng nặc giữa trưa nắng gắt. Như phân trần, anh nói: “Ðã hơn 7 năm rồi, người nuôi tôm 2 bên bờ kinh Thuỷ Lợi phải bóp bụng chịu cảnh này. Vào mùa trở bấc như vậy đó. Chỉ gần 1 cây số, vậy mà mùa nắng hạn nào nước cũng thúi ùm”.
Trước năm 2003, con kinh Thuỷ Lợi mà người dân khu vực ấp Cây Sộp, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình thường hay gọi là lung Tắc Kè phục vụ việc dẫn thuỷ nhập điền cho hàng trăm công đất lúa trong khu vực. Câu chuyện bất bình từ lung Tắc Kè bắt đầu nảy sinh từ năm 2007, khi huyện Thới Bình đưa xáng dây vào nạo vét, nới rộng kinh. Với chiều dài khoảng 1.000 m, con kinh Thuỷ Lợi xuyên qua lung Tắc Kè, hoà chung dòng chảy vào hệ thống kinh rạch phục vụ mục tiêu tháo úng, xổ phèn, bảo đảm lưu thông và sản xuất nông nghiệp của xã Hồ Thị Kỷ. Nhưng đó chỉ là chuyện của 10 năm về trước. Khi bắt đầu chuyển sang nuôi tôm, tại khu vực lung Tắc Kè, nhiều người dân đã phải đau đầu với thực trạng lấn chiếm lung, thậm chí lấp mất hiện trạng nguyên thuỷ. “Lung Tắc Kè ngày xưa có đường lạch rộng khoảng 5 m, 2 bên đường lạch là bãi cạn bỏ hoang. Mùa nước nổi năn, bông súng mọc; đến mùa hạn, khi các con đập đã đắp kín để ngăn mặn thì nó trườn lên những dãy đất phèn vàng cháy, sậy mọc um tùm. Hiện trạng đó cứ tuần hoàn từ xưa, đến khi nó không còn tự nhiên tuần hoàn nữa”, ông Lê Văn Dũng, người dân có đất canh tác lâu năm tại khu vực lung, cho biết. Ở cuối lung Tắc Kè (hướng kinh Cây Sộp), 2 bên là phần đất sản xuất của ông Lê Thành Luỹ và Nguyễn Văn Tiết. Cùng lúc với Nhà nước tiến hành múc, mở rộng kinh Thuỷ Lợi, 2 ông cũng đưa cơ giới vào nới rộng diện tích đất canh tác. Chính vì địa phương không ngăn chặn kịp thời nên chỉ sau vài tháng, đoạn cuối dài khoảng 3 công bờ (100 m) của lung Tắc Kè bị 2 ông san lấp thành vuông tôm cá nhân. Vậy là kế hoạch nới rộng kinh Thuỷ Lợi qua lung Tắc Kè chưa thực hiện xong. Vậy hơn 8 năm, công trình nạo vét này đã được nghiệm thu, bàn giao? Sao không nhanh chóng trả lại hiện trạng cho đoạn cuối lung Tắc Kè? Việc lấn chiếm lung như hiện nay của 2 hộ dân xã Hồ Thị Kỷ giải quyết ra sao? Trách nhiệm thuộc về ai?... Hàng loạt những câu hỏi như thế đã được tập thể Nhân dân có đất canh tác trên đoạn lung bị tắc nghẽn đã đặt ra hơn 8 năm. Họ đệ đơn đến UBND xã Hồ Thị Kỷ, đến UBND huyện Thới Bình, Phòng Nông nghiệp huyện Thới Bình, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thoả đáng. Ông Hồ Phú Hoà, Trưởng Ban Nhân dân ấp Cái Bát, người gắn bó lâu năm tại khu vực này, cho hay: “Cám cảnh với sự việc này, ông Mười Thiết (không rõ họ tên), có đất canh tác kế cận đoạn lung bị tắc đã hy sinh phần đất vườn nhà mình để mười mấy hộ dân này đưa cơ giới vào mở đường tháo thế bí của kinh Thuỷ Lợi. Nhưng khoảng 2 năm sau đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Mười Thiết phải bán phần đất này nên đã san lấp kinh vừa đào để bảo đảm phần diện tích sang bán. Vậy là lung Tắc Kè tiếp tục bị tắc đến ngày nay”. Lập lờ đất “công” Nguyên nhân do đâu sự việc trôi vào quên lãng? Ngày 26/1, khi làm việc với phóng viên về nội dung lung Tắc Kè, kinh Thuỷ Lợi ở địa phương đã bị tắc cách nay nhiều năm, ông Trương Hùng Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ, không khỏi ngỡ ngàng: “Tôi cũng không nắm rõ lắm. Lâu nay chỉ nghe phong thanh. Vào thời điểm đó, đồng chí Việt, Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách chính. Nhưng không biết các khâu họp dân lấy ý kiến như thế nào, để xảy ra sự việc này. Con lung nằm ở vị trí nào, để tôi bố trí hôm nào cùng cán bộ địa chính xã xác minh lại!?". Còn ông Dương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã, cho hay: “Khi đó, công trình chỉ còn khoảng 100 m thuộc đất của 2 ông Luỹ và Tiết nhưng bị ngăn cản. Tôi còn nhớ lúc đó có lập biên bản, 2 ông này hứa sẽ đưa xáng cuốc vào múc kinh vì sợ múc bằng xáng dây mất nhiều đất”. Khi hỏi về tờ biên bản và cam kết của ông Luỹ và ông Tiết, ông Việt nói tỉnh bơ: “Ông trưởng ấp lúc đó làm mất tiêu rồi!”. Vậy là từ đó đến nay, biên bản không còn. Phía 2 ông Lê Thành Luỹ và Nguyễn Văn Tiết thì không thực hiện đúng cam kết là khơi thông đường kinh Thuỷ Lợi. Còn UBND xã Hồ Thị Kỷ thì chưa giải quyết thấu tình đạt lý chuyện đoạn lung bị tắc. Hệ luỵ của nó kéo dài đến thời điểm này, đoạn lung đã hoàn toàn biến mất. Chúng tôi đặt vấn đề với ông Trương Hùng Dũng: Liệu khoảng đất lung như hiện trạng do 2 ông Luỹ và Tiết sở hữu có được cấp quyền sử dụng đất chưa, hay vẫn thuộc quyền quản lý đất công của xã? Ông Dũng chưa thể khẳng định ngay. Ông nói: “Phải chờ cán bộ địa chính đối chiếu quyền sử dụng đất của 2 hộ này và bản đồ hiện trạng mới biết được”. Tại sao đoạn lung Tắc Kè bị tắc cách nay hơn 8 năm, mà tờ bản đồ hiện trạng mới nhất của UBND xã Hồ Thị Kỷ và tờ bản đồ chuẩn trước năm 2000 lại khớp nhau: cùng hiện diện đoạn lung Tắc Kè thông thoáng đấu nối cùng nhiều nhánh sông trên địa bàn ấp Cây Sộp và ấp Cái Bát? Qua xác minh thực tế, truy lục tờ bản đồ do cán bộ địa chính và Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ cung cấp ngày 26/1, tờ bản đồ hiện trạng đất năm 2003 thuộc địa phận ấp Cây Sộp, xã Hồ Thị Kỷ (2 tờ bản đồ do ông Lâm Văn An, Trưởng Ban Nhân dân ấp Cây Sộp cung cấp) và những nhân chứng là những người dân sinh sống lâu năm: ông Lê Văn Dũng, ông Lê Văn Thắng, thì lung Tắc Kè ngày xưa hoàn toàn thông thoáng, đấu nối với những con kinh trong khu vực (trùng khớp với hiện trạng bản đồ). Mọi bức xúc của Nhân dân tưởng chừng như hé mở tia hy vọng tại cuộc tiếp xúc cử tri hồi khoảng tháng 7/2014. Ông Trương Hùng Dũng nhớ lại: “Do hôm đó, có bà con đặt vấn đề về lung Tắc Kè, kiến nghị này được Chủ tịch UBND huyện (tại thời điểm diễn ra cuộc tiếp xúc cử tri) chỉ đạo là phải rà soát kỹ lại và có hướng giải quyết phù hợp, mau chóng giải quyết dứt điểm”. Nhưng đã hơn 7 tháng sau lần tiếp xúc cử tri và ghi nhận ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, UBND xã Hồ Thị Kỷ vẫn chưa tiếp cận hiện trường vụ việc cũng như đề ra biện pháp giải quyết nào, cho đến khi chúng tôi liên hệ trao đổi. Trao đổi với phóng viên, tập thể Nhân dân và ông Lâm Văn An, Trưởng Ban Nhân dân ấp Cây Sộp; ông Hồ Phú Hoà, Trưởng Ban Nhân dân ấp Cái Bát, cùng thể hiện quyết tâm: “Nếu được xã cho phép thì các hộ dân phía trong kinh Thuỷ Lợi, lung Tắc Kè sẵn sàng góp kinh phí thuê xáng đào đường tháo thế bí của kinh Thuỷ Lợi nhiều năm nay”. Song, với bao kỳ vọng và công sức đấu tranh vì quyền lợi chung cho sản xuất 8 năm nay và hơn 7 tháng kể từ ngày nhận được câu trả lời “giá trị nhất” từ phía lãnh đạo UBND huyện Thới Bình thì mấy mươi hộ dân có đất sản xuất tại lung Tắc Kè, kinh Thuỷ Lợi, ấp Cây Sộp, xã Hồ Thị Kỷ vẫn hoài công. Trong khi, UBND xã Hồ Thị Kỷ chỉ mới tính đến chuyện: “Qua Tết sẽ triển khai rà soát lại. Dạo này cuối năm, công việc nhiều”. Nghe thông tin, anh Công cùng mấy hộ dân đang ngồi tìm cách sống còn với lung Tắc Kè buồn rười rượi: vậy là thêm một mùa chờ đợi nữa!./. Phóng sự điều tra của Phong Phú |