Chuyện “buồn” của 3 nhà máy Nhận thức rõ về tầm quan trọng của năng lượng sinh học (NLSH) đối với an ninh năng lượng của đất nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ môi trường và góp phần giúp đỡ nông dân, đặc biệt là những hộ trồng sắn có đầu ra nhanh hơn, ổn định hơn, cuộc sống đỡ khó khăn hơn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đi đầu trong việc xây dựng chiến lược phát triển NLSH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay, 3 dự án sản xuất NLSH có liên quan đến Petrovietnam và các đơn vị thành viên đang phải dừng sản xuất. Nhà máy Ethanol Bình Phước do Công ty TNHH NLSH Phương Đông làm chủ đầu tư, Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản) chiếm cổ phần chi phối (49% vốn), Công ty LICOGI 16 góp 22% vốn và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) chỉ góp vốn 29% vốn. Nhà máy được hoàn thành với chất lượng tốt. Khi các bên đối tác quyết định đầu tư nhà máy này, giá dầu để sản xuất xăng khoáng đang ở mức đỉnh, trên 140 USD/thùng, hiện chỉ còn xấp xỉ 50 USD/thùng. Do xăng khoáng có giá thấp nên việc tiêu thụ xăng E5 rất khó khăn, càng sản xuất càng lỗ. Các nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu được xây dựng từ những năm 2008-2010, thời điểm đó, giá sắn (nguyên liệu đầu vào) chỉ khoảng 2.000 đồng/kg. Từ năm 2011 đến nay, giá sắn lát luôn trên 3.500 đồng/kg, có thời điểm lên tới 4.500- 5.000 đồng/kg, khiến giá thành sản phẩm ethanol tăng cao. Tập đoàn Itochu đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho Công ty Toyo Thái Lan. Toyo Thái Lan dự kiến sẽ vận hành trở lại nhà máy vào năm 2018 với điều kiện thị trường thuận lợi. Nhà máy NLSH ở Quảng Ngãi do các đơn vị thành viên của Petrovietnam đầu tư cũng vào thời điểm giá dầu 140 USD/thùng. Theo tính toán, sản xuất ethanol để phối trộn thành xăng E5 lúc đó là rất hiệu quả và chủ động được nguồn cung. Song, kể từ khi vận hành thương mại đầu năm 2014, nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Đến cuối tháng 4/2016, nhà máy buộc phải dừng sản xuất vì xăng E5 khó tiêu thụ, nguy cơ thua lỗ đã hiện hữu. Tại Nhà máy NLSH Phú Thọ, PV Oil góp 39% vốn. Trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, giá dầu sụt giảm sâu, đồng thời do năng lực nhà thầu không bảo đảm, nên các chủ đầu tư quyết định tạm dừng dự án. Được biết, các nhà máy NLSH của các nhà đầu tư khác cũng đang trong tình trạng tương tự, đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, do tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều khó khăn vì các nước trong khu vực đều dư thừa nguồn cung. Cần chính sách mang tính đột phá Nếu không kịp thời có chính sách mang tính đột phá, e rằng sẽ khó cứu được các nhà máy sản xuất NLSH được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu khiến cho thị trường xăng sinh học E5 ảm đạm vì người dân chưa mặn mà với xăng E5, giá thành sản xuất cồn để pha chế xăng E5 quá cao, trong khi giá xăng khoáng xuống thấp, hệ thống phân phối còn quá mỏng. Hầu hết các doanh nghiệp phối trộn, kinh doanh xăng E5 đều lỗ nặng do phải đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cột bơm, bể chứa… trong khi các ưu đãi về thuế, phí chưa hấp dẫn, chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Để Đề án Phát triển NLSH đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2025 triển khai hiệu quả, trước mắt cần “cứu” các nhà máy NLSH vừa mới được khai sinh, phải thực sự đổi mới cơ chế, chính sách về thuế, ưu tiên vay vốn, trợ giá và sử dụng đất đai xây dựng vùng nguyên liệu, mạng lưới phân phối... để hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào NLSH ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tăng cường mạnh hơn việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của xăng E5 và lồng ghép vào chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, để mang lại hiệu ứng tốt nhất cho xã hội.
|