Tiến sĩ Moeti cho biết, năng lực ứng phó các đợt lây nhiễm mới của châu Phi đã hiệu quả hơn. Cụ thể, nếu châu Phi mất 29 tuần để kiểm soát làn sóng lây nhiễm đầu tiên, thì thời gian này giảm xuống còn 6 tuần với làn sóng thứ tư. Mặc dù vậy, bà cũng lưu ý, đến nay, mới chỉ có khoảng 11% người dân châu Phi được tiêm chủng ngay cả khi khu vực này đã tiếp nhận 670 triệu liều vaccine COVID-19. “Nguồn cung vaccine đã ổn định, do đó cần tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho người dân”, tiến sĩ nhấn mạnh. Tuy nhiên, quan chức của WHO tiết lộ rằng số ca mắc COVID-19 ở châu Phi có thể cao gấp 7 lần so với dữ liệu chính thức và số ca tử vong cao hơn khoảng 2 đến 3 lần. Nguyên nhân là hệ thống giám sát ca nhiễm ở lục địa này đang gặp nhiều thách thức. Chẳng hạn, việc tiếp cận nguồn cung xét nghiệm còn hạn chế đã dẫn đến việc đánh giá thấp các trường hợp mắc bệnh. Một số ý kiến khác cho rằng nhiều quốc gia trên lục địa này có độ tuổi trẻ hơn nên tỉ lệ người mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 10/2, châu Phi đã ghi nhận trên 11 triệu ca nhiễm với 250.000 ca tử vong. Nếu ước tính của WHO là chính xác, con số thực có thể là gần 70 triệu ca nhiễm và 750.000 ca tử vong. Một số nghiên cứu và khảo sát huyết thanh học - đặc biệt là ở Nam Phi, một trong những nơi có hệ thống giám sát dịch bệnh phức tạp nhất của lục địa - cho thấy tỉ lệ lây nhiễm cao hơn ước tính, lo ngại đếm thiếu ca nhiễm. Châu Phi là khu vực mới nhất mà WHO cho rằng có thể đang thoát khỏi đại dịch và bước vào một giai đoạn ổn định hơn. Tuần trước, ông Hans Kluge Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, cho biết châu lục này có thể sớm bước vào “thời kỳ dài yên bình” nhờ biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn, mức độ miễn dịch cao và sự xuất hiện của của thời tiết mùa xuân ấm áp hơn. |