Phải quyết liệt mới chống được hàng giả | |
Hà Nội: Lại phát hiện điểm kinh doanh hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu | |
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu |
Lễ kỷ niệm “Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái” 29/11. Ảnh:H.Dịu |
Sáng 29/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm “Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái” và phát động chương trình “Nhịp cầu thương hiệu - Kết nối thành công” năm 2019.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho hay, tại Việt Nam, nhiều mặt hàng bị làm giả, kể cả những mặt hàng nhỏ nhất, khiến ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta bị ảnh hưởng. Từ thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đã có những chỉ đạo sát sao, nhưng quá trình thực thi còn nhiều khó khăn dẫn tới hiệu quả chưa tương xứng.
Theo ước tính của Phòng thương mại Quốc tế ICC, giá trị hàng giả trên toàn thế giới sẽ vượt 2.000 tỷ USD trong tương lai, tương đương 3% GDP toàn cầu. Mới đây, theo đánh giá của CIB - Văn phòng tình báo về hàng giả của Phòng Thương mại Quốc tế ICC, hàng giả, hàng nhái chiếm 5-7% tổng doanh số kinh doanh thế giới.
Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, 10 tháng năm 2019, lực lượng chức năng đã kiểm tra 141.000 vụ việc, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.
Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong 10 tháng qua đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán qua mạng Internet vẫn diễn ra phổ biến và chưa được kiểm soát hiệu quả.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp phải tình trạng hàng giả, hàng nhái là do vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Không những thế, trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam ngày càng “mở cửa”, hàng giả, hàng nhái sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp hơn, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Vì thế, để tăng cường công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, ông Vũ Xuân Bính, Phòng nghiệp vụ 2, cho hay, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tổ chức triển khai nhiều kênh kết nối tới các doanh nghiệp. Hiện tại lực lượng đã xây dựng một kênh kết nối trực tuyến, chỉ trong một thời gian rất ngắn người tiêu dùng có thể ngay lập tức gửi thông tin về những nghi ngờ hàng giả, hàng nhái tới cơ quan chức năng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng có thể gửi thông tin bằng cách tương tự nếu nghi ngờ sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái.
Ngoài ra, theo ông Lê Thế Bảo, mỗi người tiêu dùng nên tự trang bị thêm kiến thức, để trở thành người tiêu dùng thông minh, không tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái. Các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát thị trường, chủ động tố giác các hành vi vi phạm, nhưng trên hết, các doanh nghiệp phải coi trọng hơn nữa việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng phòng Kinh doanh Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza (Công ty Liên Thái Bình Dương) cho hay, Tràng Tiền Plaza cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi hàng giả, hàng nhái. Điều này, gián tiếp gây ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của các sản phẩm chính hãng. Trong thời gian tới, Tràng Tiền Plaza kiến nghị với các cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn để có chế tài răn đe đối với các đối tượng sản xuất hàng giả hàng nhái.