(CMO) Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong cả nước, bắt đầu đi vào đời sống người dân trên địa bàn tỉnh một cách thiết thực và hiệu quả.
Năm 2022 là năm được xác định đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện, cũng là năm tiền đề, quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số. Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Với quyết tâm đưa Cà Mau thành một trong những tỉnh, thành phố chuyển đổi số thành công của cả nước, tỉnh đã xác định mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị. Trong đó, bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức cho cán bộ, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, phát triển đồng bộ hạ tầng số, dữ liệu số, đào tạo nguồn nhân lực số..., tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thay đổi lối sống, làm việc của người dân”. Chuyển đổi để thích ứng “Sự chuyển mình” dễ nhận thấy nhất của địa phương trong tiến trình chuyển đổi số chính là thay đổi tư duy, nhận thức của cả chính quyền địa phương và người dân. Ðể tạo tiền đề thông thoáng thì mở đầu là sự thay đổi về hệ thống “thể chế”. “Ðây được đánh giá là yếu tố nền tảng trong chuyển đổi số. Với việc ban hành Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Ðề án của UBND tỉnh về chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp được kiện toàn, bao gồm các cơ quan Ðảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng tham gia, là điều kiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo đảm khung pháp lý trong triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Minh Luân đánh giá.
Với mục tiêu “Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là dễ dàng, thiết thực”, đã có nhiều chương trình, hoạt động chuyển đổi số chính thức được kích hoạt, đem đến nền tảng công nghệ mới, từng bước hình thành công dân số. Ðể người dân tiếp cận nhanh chóng phải bắt đầu từ những mô hình gần gũi nhất, nhằm bắt nhịp và tự trải nghiệm, đánh giá sự tiện ích mà chuyển đổi số mang lại. Ông Nguyễn Văn Ðô, Giám đốc Sở Công thương, cho hay: “Ðể tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, mô hình chợ 4.0 ra đời và được triển khai ở 14 điểm chợ trên địa bàn tỉnh. Ðây là những "khu chợ số" trên nền tảng ứng dụng Mobile Money, cho phép người dân mua bán, gửi tiền, thanh toán không dùng tiền mặt dễ dàng, nhanh chóng”. Là tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ Phường 2, TP Cà Mau, khu chợ số đầu tiên của tỉnh, chị Trần Khánh Linh vui vẻ chia sẻ: “Sau gần 2 tháng ứng dụng mô hình chợ 4.0, tiểu thương, bà con Nhân dân hưởng ứng khá nhiều. Ai cũng nhận thấy những tiện lợi mà dịch vụ mang lại”.
Ðưa công nghệ số đến với cộng đồng Hiệu quả rõ nét hơn hết chính là việc hình thành 93 tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCÐ) thí điểm tại 14/101 xã, phường, thị trấn. Ðây được xem là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, gần dân và là cánh tay nối dài, đắc lực của tỉnh trong việc đưa công nghệ số đến với cộng đồng. Tham gia tổ CNSCÐ với lực lượng trẻ, có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cao, nhạy bén, Tổ CNSCÐ của xã Khánh Hoà, huyện U Minh từng bước mang các ứng dụng chuyển đổi số đến với người dân. Ông Lê Minh Thành, phụ trách Tổ CNSCÐ xã Khánh Hoà, huyện U Minh, chia sẻ: “Xã có 6 tổ với 36 thành viên. Ða số là cán bộ, đoàn viên trẻ tuổi, thành thạo công nghệ nên khi triển khai khá thuận lợi. Tuy nhiên, do ở vùng sâu nên bước đầu hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ còn gặp khó khăn. Song, với lực lượng này, hành trình mới này, tin rằng từng bước sẽ đưa người dân gần hơn với công nghệ”. Ngoài ra, kinh tế số, 1 trong 3 trụ cột trong chuyển đổi số cũng ghi nhận nhiều điểm nhấn nổi bật với 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai sử dụng hoá đơn điện tử. Sàn thương mại điện tử tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) đã thu hút 460 tài khoản thành viên, 202 gian hàng và 542 sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; có trên 130 gian hàng với hàng trăm sản phẩm của tỉnh được giới thiệu trưng bày trên các sàn thương mại điện tử như: voso.vn, postmart.vn. Hệ thống VNPT iLIS hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính và tra cứu thông tin về đất đai cho người dân, doanh nghiệp, chính thức vận hành hơn 2 tháng qua, từng bước tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận.
Ðể đạt kết quả đó, nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, phấn khởi: “Hiện nay, Trung tâm dữ liệu tỉnh được đầu tư, vận hành theo mô hình điện toán đám mây và bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp; toàn tỉnh hiện có trên 140 hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của tỉnh, quốc gia đang được sử dụng, khai thác tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh, trong đó có khoảng 60 hệ thống thông tin do địa phương triển khai”. "Song song với những kết quả bước đầu đạt được, môi trường chuyển đổi số luôn đặt ra nhiều thách thức. Vì vậy, đòi hỏi phải lựa chọn chuyển đổi số đúng với điều kiện đang có, nhu cầu đang cần, tạo ra giá trị cuối cùng là lợi ích và hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp", ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh./.
Hồng Nhung
|