Tỷ lệ giải ngân rất thấpTại hội nghị với các bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA các tháng đầu năm và biện pháp tăng cường giải ngân năm 2024 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 21/5, tại Hà Nội, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đánh giá, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để chỉ đạo cho công tác giải ngân như đôn đốc các chủ đầu tư đăng ký kế hoạch giải ngân theo tháng; rà soát, kiện toàn các ban chỉ đạo để phân công các lãnh đạo Bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác triển khai tại các dự án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để chỉ đạo, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Theo ông Hiển, về phía Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho công tác giải ngân như tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án đang triển khai và qua đó cũng đã ghi nhận kịp thời các vướng mắc, khuyến nghị các giải pháp xử lý theo thẩm quyền; chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn. Với nỗ lực trên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết 15/5/2024 các bộ, ngành mới giải ngân được 8,58%, kiểm soát chi đạt 7,6% kế hoạch (số giải ngân cao hơn số kiểm soát chi do có 2 khoản kiểm soát chi năm 2023 nhưng giải ngân vào 2024). Đến nay mới có 3/10 bộ, ngành có giải ngân là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 8/10 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024. Với kết quả này, lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đánh giá, tỷ lệ giải ngân này là rất thấp. “Như vậy, mục tiêu giải ngân 95% như Chính phủ đã đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP rất khó để hoàn thành” - ông Võ Hữu Hiển nhấn mạnh. Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngânTại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án Word Bank (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện tại, đơn vị đã phân bổ, nhập Tabmis xong dự toán vốn đầu tư công nước ngoài năm 2024. Ban Quản lý Dự án World Bank đã nhận được nguồn vốn đầu tư công nước ngoài năm 2024 trên dịch vụ công là 645,77 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Tuấn cho biết thêm, đơn vị đang trong quá trình chấm thầu các dự án. Hiện, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai giải ngân chi tiết các tháng, quý. Đại học Quốc gia Hà Nội kỳ vọng thời gian tới sẽ có khối lượng giải ngân nguồn vốn ODA đầu tiên. Ông Tuấn cho rằng, về cơ bản việc giải ngân nguồn vốn ODA sẽ “chậm một chút”, tuy nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ nỗ lực phấn đấu cuối năm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất có thể. Thông tin từ ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), năm 2024, tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông vận tải được giao là 59.237 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn vốn nước ngoài là hơn 4.366 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phân bổ 100% kế hoạch vốn nước ngoài cho 12 dự án và đã nhập dự toán lên Hệ thống Tabmis của Bộ Tài chính. Đến ngày 15/5, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được hơn 910 tỷ đồng của 10/12 dự án ODA đạt 20,86% kế hoạch. Dự kiến, đến hết tháng 5/2024 luỹ kế giải ngân đạt khoảng 1.156 tỷ đồng, ước đạt 35,6% kế hoạch. Với tiến độ này, Bộ Giao thông vận tải dự kiến hết năm 2024 phấn đấu giải ngân khoảng 3.950 tỷ đồng, đạt trên 95% kế hoạch vốn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao. Tại hội nghị, các bộ, ngành đã thảo luận và xác định nguyên nhân, vướng mắc giải ngân chậm, trong đó có thể kể đến như: chậm giải phóng mặt bằng, chậm trong khâu đấu thầu, thiết kế kỹ thuật; dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay; chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ đối với các hồ sơ… Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, tại hội nghị, các ý kiến đều thống nhất một số giải pháp. Trong đó, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân. Trong đó tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay... Theo lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2024 đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Bộ Tài chính mong muốn các bộ, ngành với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2024.
|