【ket quà bong da】“Triều đại” 37 năm của Tổng thống Zimbabwe Mugabe sắp chấm dứt?
Ra đi trong danh dự?
Phát biểu sau phiên họp đặc biệt của Đảng Đại hội Dân tộc Phi Zimbabwe (ZANU-PF) cầm quyền, một đại biểu tham dự cho biết, ZANU-PF đã quyết định thay thế ông Mugabe bằng ông Emmerson Mnangagwa, người bị chính ông Mugabe sa thải khỏi vị trí Phó Tổng thống hồi đầu tháng 11.
“Ông Mugabe đã bị cách chức. Ông Mnangagwa đã trở thành Chủ tịch mới của chúng tôi”, đại biểu này cho biết. Cũng theo vị đại biểu này, không chỉ ông Mugabe mà vợ ông, bà Grace- người có tham vọng thay thế ông Mugabe trở thành Tổng thống Zimbabwe- cũng đã bị khai trừ khỏi Đảng ZANU-PF.
Trước đó, Chủ tịch Hội cựu Chiến binh Zimbabwe Chris Mutsvangwa cho biết, thời gian để ông Mugabe- người đã 93 tuổi- thương lượng về việc ra đi của mình đã chấm dứt. Ông Mutsvangwa cũng khuyên ông Mugabe nên ra nước ngoài sinh sống: “Ông Mugabe đang tìm cách mặc cả để được ra đi trong danh dự”.
Theo ông Mutsvangwa, nếu Tổng thống Mugabe không chịu ra đi, ông cùng nhiều nhân vật có tiếng tăm khác của Zimbabwe sẽ kêu gọi người dân xuống đường biểu tình: “Chúng tôi sẽ kêu gọi đám đông người biểu tình tràn xuống đường phố, khi đó chính họ sẽ thực hiện những gì cần phải làm”.
Việc ông Mugabe bị Đảng ZANU-PF cầm quyền cách chức được coi là đầy bất ngờ bởi trong suốt 37 năm nắm quyền, Tổng thống Mugabe dù phải trải qua rất nhiều biến động chính trị vẫn tại vị nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng ZANU-PF cùng lực lượng quân đội luôn trung thành.
Điều này xuất phát từ việc ông Mugabe không chỉ là người sáng lập mà còn là người dẫn dắt Đảng ZANU-PF và nhân dân Zimbabwe đánh đổ chế độ thực dân của Anh đem lại hòa bình cho đất nước. Chính vì vậy, ông Mugabe được đặc biệt coi trọng không chỉ ở Zimbabwe mà còn ở toàn châu Phi và ít ai dám công khai chỉ trích những sai lầm của ông.
Bản thân ông Mugabe cũng từng tự tin tuyên bố: “Chỉ có Chúa mới buộc được tôi từ bỏ quyền lực” và đối với nhiều người Zimbabwe, ông Mugabe được coi là Vua- người chỉ bị thay thế khi qua đời theo văn hóa nước này. Tuy nhiên, trước sức ép rất lớn của người biểu tình trên khắp đất nước và cả ở thủ đô Harare, “triều đại” của ông Mugabe được coi là đã chấm dứt.
Người thay thế ông Mugabe, ông Mnangagwa- một cựu quan chức an ninh có biệt danh “Cá sấu”- được trao trọng trách lãnh đạo Chính phủ lâm thời Zimbabwe.
Điều đáng nói, ông Mnangagwa từng được kỳ vọng sẽ thay thế ông Mugabe nắm quyền điều hành đất nước cho đến khi bà Grace quyết định chen ngang. Điều này đã làm nổ ra những tranh cãi về việc ai mới xứng đáng kế nhiệm ông Mugabe tại Zimbabwe dẫn tới việc quân đội nước này quyết định “ra tay”.
Hay “quyết chết vì lẽ phải”?
Trong khi đó, trên đường phố thủ đô Harare, hàng trăm nghìn người Zimbabwe đã đổ ra đường hò reo ăn mừng khi nghe tin ông Mugabe bị cách chức Chủ tịch Đảng ZANU-PF cầm quyền bất chấp việc xe thiết giáp và quân đội được triển khai khắp mọi ngả đường.
Dù vậy, phát biểu trong khi đang bị quân đội quản thúc tại tư dinh “Mái Xanh”, ông Mugabe vẫn khẳng định, ông nhất quyết không từ chức Tổng thống dù đã bị cả Đảng ZANU-PF, lực lượng an ninh và người dân Zimbabwe “ngoảnh mặt”.
Cháu ông Mugabe, ông Patrick Zhuwao cho biết, cả Tổng thống và phu nhân đều “sẵn sàng chết vì lẽ phải” còn hơn là từ chức để bảo vệ danh dự của mình trước cái mà ông Mugabe gọi là “một cuộc đảo chính nhằm lật đổ một Tổng thống được bầu hợp pháp”.
Tuy nhiên, dường như không mấy người dân Zimbabwe quan tâm đến “tính hợp pháp” mà ông Mugabe đề cập. Đa số đề cập đến “một cuộc cách mạng lần thứ 2” và công khai bày tỏ ước mơ về sự thay đổi thể chế chính trị và kinh tế sau hơn 20 năm sống trong tình cảnh khốn khó.
“Chúng tôi đã trào nước mắt vì vui sướng”, anh Frank Mutsindikwa, 34 tuổi, nói khi đang vẫy lá quốc kỳ :”Tôi đã chờ đợi ngày này rất lâu rồi. Cuối cùng chúng tôi cũng đã được tự do”.
Khác với những lần trước, khi vị thế của ông Mugabe không hề bị lung lay bởi lực lượng quân đội Zimbabwe vẫn trung thành với ông, lần này, quân đội dù không công khai tuyên bố tiến hành đảo chính nhưng vẫn “ngầm bật đèn xanh” cho Đảng ZANU-PF cầm quyền tiến hành một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình để tránh gây ra những hậu quả về ngoại giao không đáng có.
Việc một người tưởng chừng như “không thể chạm tới ở Zimbabwe” như ông Mugabe bị hạ bệ chỉ trong 4 ngày đã khiến cả châu Phi rúng động. Nhiều nhân vật có vị thế tương tự như ông Mugabe như Yoweri Museveni ở Uganda hay Joseph Kabila ở Congo cũng đang chịu sức ép rất lớn trong việc phải từ chức nếu không muốn chịu chung số phận với ông Mugabe.