Thu hàng trăm triệu USD từ gỗ phụ phẩm của ngành chế biến. Ảnh: Phúc Nguyên |
Kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ bật tăng
Trao đổi với báo chí, chiều 22/10, TS. Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, cho biết cơ hội xuất khẩu (XK) mặt hàng viên nén - một trong những sản phẩm XK quan trọng trong ngành chế biến, XK đồ gỗ rất lớn trong tương lai bởi nguồn cung dồi dào và năng lực sản xuất lớn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số lượng và kim ngạch XK viên nén của Việt Nam từ năm 2013 đến gần hết quý III/2021 liên tục tăng trưởng, đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2018-2020. Bình quân mỗi năm Việt Nam XK trên dưới 3 triệu tấn viên nén với kim ngạch XK đạt 350 triệu USD.
8 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, lượng XK đạt 2,4 triệu tấn, tương đương với 273 triệu USD về kim ngạch. Nguồn gỗ đầu vào để làm viên nén bao gồm mùn cưa, dăm bào, cành đầu mẩu, cành ngọn gỗ rừng trồng có đường kính khoảng 2cm trở xuống. Các cơ sở chế biến viên nén không đòi hỏi đầu tư về công nghệ quản lý lớn và phức tạp, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào khâu sản xuất, XK mặt hàng này.
TS. Tô Xuân Phúc nhận định, một trong những điểm mạnh trực tiếp góp phần vào sự hình thành và phát triển của ngành viên nén là nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, được tạo ra từ gỗ phụ phẩm trong quá trình chế biến.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng đánh giá, ngành sản xuất viên nén vẫn còn nhiều dư địa để phát triển bền vững. Hiện Hàn Quốc và Nhật Bản là thị trường nhập khẩu viên nén quan trọng nhất của Việt Nam, với lượng xuất sang 2 thị trường này chiếm trên 90% trong tổng lượng viên nén XK hàng năm. Riêng nhu cầu tiêu thụ viên nén tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, có thể mở rộng gấp 3 lần trong giai đoạn 2024-2025 so với hiện nay.
Rủi ro chất lượng và tính pháp lý nguồn nguyên liệu
Tuy nhiên, Vifores cũng cho rằng, ngành sản xuất và XK viên nén đang tồn tại một số mặt hạn chế. Cụ thể, đầu vào nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ về khía cạnh chất lượng và pháp lý. Một số cơ sở chế biến sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, ngành hiện có dấu hiệu cung lớn hơn cầu, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, bao gồm cả việc cạnh tranh không lành mạnh như chèn ép giá.
Thông tin từ một số doanh nghiệp (DN) XK cho biết, hiện giá XK vào thị trường Hàn Quốc thấp là bởi thị trường này áp dụng cơ chế đấu giá khi mua sản phẩm, với các DN chào mức giá thấp nhận được các hợp đồng cung sản phẩm. Sau khi nhận được các hợp đồng này, các DN này quay trở lại các nhà sản xuất tại Việt Nam và đẩy mức giá sản phẩm xuống thấp, nhằm đáp ứng các hợp đồng mà họ đã ký kết với người mua.
Trong khi cơ chế thu mua tại thị trường Nhật Bản không tuân theo hình thức đấu giá như tại thị trường Hàn Quốc, mà phụ thuộc trực tiếp vào thỏa thuận giữa người mua và người bán. Cơ chế này không làm đẩy giá XK xuống thấp như tại thị trường Hàn Quốc (giá XK bình quân sang thị trường Nhật Bản hiện cao hơn giá XK sang Hàn Quốc khoảng 20 - 30 USD/tấn).
“Với tình trạng cung lớn hơn cầu như hiện nay, ngành tiềm ẩn yếu tố không bền vững…” - chuyên gia Forest Trends cảnh báo./.