');this.closest('table').remove();"> |
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại phiên toàn thể hội nghị LDC lần thứ 5 ở Qatar. Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp |
Từ ngày 5-8/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã tham dự Hội nghị lần thứ 5 của Liên hợp quốc về các nước kém phát triển nhất (LDC 5) tại Doha, Qatar.
Với chủ đề “Từ tiềm năng đến thịnh vượng," hội nghị có sự tham dự của khoảng 5.000 đại biểu, trong đó bao gồm nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước LDC, Tổng Thư ký và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, học giả, báo chí và cộng đồng doanh nghiệp.
Hội nghị LDC lần thứ 5 đã đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động Istanbul từ năm 2011, đề ra các định hướng, ưu tiên hợp tác trong giai đoạn 2023-2031 với quyết tâm và cam kết mới nhằm hỗ trợ các nước LDC sớm ra khỏi nhóm các nước kém phát triển và triển khai đúng lộ trình các mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDG).
Trong bối cảnh tình hình kinh tế-chính trị quốc tế đang diễn ra nhiều thay đổi nhanh chóng, sâu sắc và mang tính bước ngoặt, hội nghị đánh giá các nước LDC đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, nhất là khủng hoảng nợ do tác động của lạm phát và lãi suất tăng cao, nguy cơ việc triển khai các SDG bị “chệch lộ trình," bất bình đẳng xã hội có xu hướng gia tăng, tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp…
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chính trị khẳng định cam kết mạnh mẽ trong triển khai Chương trình hành động Doha (do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 3/2022), bao gồm 6 trụ cột ưu tiên gồm đầu tư vào con người với phương châm “không bỏ ai lại phía sau;” thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững; đưa chuyển đổi cơ cấu kinh tế trở thành động lực cho tăng trưởng và thịnh vượng; tăng cường thương mại quốc tế và hội nhập khu vực của các nước LDC; ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường sức chống chịu trước các cú sốc và củng cố quan hệ đối tác toàn cầu.
Phát biểu tại Phiên toàn thể và Phiên chuyên đề về thương mại và hội nhập, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng hoan nghênh các kết quả quan trọng mà LDC đạt được trong giai đoạn 2011-2021; đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của Hội nghị LDC lần thứ 5 trong bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình hành động Doha.
Trưởng đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh một số đề xuất. Thứ nhất, nâng cao nội lực và năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở phù hợp với thế mạnh và đặc điểm của từng nước LDC.
Thứ hai, chú trọng vai trò động lực tăng trưởng của thương mại và hội nhập quốc tế, trong đó cần bảo đảm hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, công bằng, minh bạch và bao trùm; tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường cho các nước LDC.
Thứ ba, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo đột phá cho tăng trưởng; kêu gọi các nước phát triển chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực, hỗ trợ tài chính cho LDC trong tiến trình chuyển đổi xanh và giảm phát thải carbon.
Thứ tư, đề cao vai trò của hoà bình, hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Trưởng đoàn Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, chú trọng nội lực đi đôi với kết hợp ngoại lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và đặt con người ở vị trí trung tâm, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển; khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối hợp tác giữa các đối tác phát triển và các nước LDC, nhất là thông qua hợp tác Nam-Nam và ba bên.
Trong khuôn khổ hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đã có các cuộc gặp với các đối tác song phương và đa phương như Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Cuba, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Benin, Uganda, Eswatini, Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan, Venezuela, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)… để thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt về chính trị-ngoại giao, trao đổi đoàn, kinh tế-thương mại và phối hợp tại các diễn đàn đa phương.
Với Cuba, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh hết sức coi trọng mối quan hệ truyền thống đặc biệt; khẳng định ủng hộ Cuba đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch G77 năm 2023. Với Ấn Độ, Việt Nam tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch. Với Kazakhstan, hai bên sẽ tăng cường ủng hộ lẫn nhau và phối hợp lập trường tại các diễn đàn đa phương. Với các nước châu Phi, Việt Nam sẽ thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và ba bên trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.
Hội nghị LDC lần thứ 5 có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các đối tác và các nước LDC, thúc đẩy hợp tác công-tư và nhiều bên trong huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình hành động Doha và các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động của LDC trong khuôn khổ Liên hợp quốc, chia sẻ các kinh nghiệm phát triển, thúc đẩy hợp tác Nam-Nam trên tinh thần chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam.