Mới học xong lớp đệ thất ngoài thành, má ra kêu chị (Trần Mỹ Ánh) về không học nữa. Chị hỏi tại sao? Má nói các chú bảo học lâu sẽ bị nhiễm tư tưởng của giặc. Chị nói, không hiểu sao hồi nhỏ chị ngoan ngoãn theo má đi về. Ngày 2/9/1961 là ngày đầu tiên chị tham gia làm cô giáo dạy bổ túc văn hoá ở làng quê, sau đó được đi tập huấn sư phạm xã và về dạy phổ thông ở ấp.
Mới học xong lớp đệ thất ngoài thành, má ra kêu chị (Trần Mỹ Ánh) về không học nữa. Chị hỏi tại sao? Má nói các chú bảo học lâu sẽ bị nhiễm tư tưởng của giặc. Chị nói, không hiểu sao hồi nhỏ chị ngoan ngoãn theo má đi về. Ngày 2/9/1961 là ngày đầu tiên chị tham gia làm cô giáo dạy bổ túc văn hoá ở làng quê, sau đó được đi tập huấn sư phạm xã và về dạy phổ thông ở ấp.
Năm 1962, chị đi học sư phạm huyện rồi sư phạm tỉnh. Mãn khoá, chị về dạy lớp 3, 4 trường xã Tân Lợi (Hồ Thị Kỷ bây giờ). Được vài khoá, lúc này giáo dục phát triển, khắp nơi đòi mở lớp dạy cho con em Nhân dân, xã điều động chị sang làm công tác quản lý giáo dục của xã. Năm 1964, chị sang làm Phó Trưởng ban, rồi Trưởng Ban Giáo dục xã Tân Lợi, vừa làm cán bộ quản lý giáo dục xã, vừa cùng chị Sáu Thắm dạy lớp 4 trường xã. Giặc đánh phá, đốt trường, nhiều học sinh nghỉ học tham gia kháng chiến: một số đi bộ đội, số vào các cơ quan, Hồ Thị Kỷ là học sinh lớp 3 vào biệt động Cà Mau.
Chị Trần Mỹ Ánh (áo trắng), Trưởng Tiểu ban Giáo dục huyện Châu Thành (ảnh chụp năm 1975). Ảnh tư liệu |
Sau Tết Mậu Thân 1968, giặc đánh phá ác liệt, vùng giải phóng bị thu hẹp, đồn bót giặc giăng khắp nơi, học sinh không được đến trường, đây là thời kỳ đen tối nhất của giáo dục cách mạng. Những năm này, chị tạm rời tay bút, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Năm 1972-1973, chị làm Xã đội phó xã Tân Lợi, trực tiếp chỉ huy đánh giặc. Cũng trong thời gian này, trong một trận đánh, chị bị thương. Dưỡng thương 3 tháng, khi vết thương lành cũng là lúc xã Tân Lợi sáp nhập về huyện Châu Thành. Chị công tác ở phụ nữ huyện, sau đó về Ban Tuyên huấn huyện và về sau được phân công phụ trách Trưởng Tiểu ban Giáo dục huyện Châu Thành (từ tháng 6/1973).
Sau Hiệp định Paris, tình hình bớt căng thẳng, vùng giải phóng mở rộng hơn trước, Nhân dân yêu cầu mở trường lớp. Châu Thành phải mở liên tục các lớp sư phạm ngắn hạn đào tạo giáo viên cấp 1. Thuận lợi của Châu Thành là học sinh học văn hoá ngoài thị xã Cà Mau, ta vận động vào chiến khu công tác, cho đi tập huấn chuyên môn vài tháng rồi về làm thầy cô giáo được ngay. Huyện còn mở tại kinh Hai Hạt lớp 3 và 4 cho con em cán bộ huyện Châu Thành (đó là lớp đào tạo đội ngũ cán bộ sau này).
Lớp sư phạm huyện mở tại Rạch Dừa - An Xuyên sắp kết thúc (lúc này cơ quan Tuyên huấn - Giáo dục Châu Thành ở Cà Mau Nam), để kịp dự ngày bế giảng, chị và chị Hồng Ánh (Phó Tiểu ban Giáo dục) phải đi bằng con đường hợp pháp. Từ Gành Hào đi đò ra Tắc Vân rồi về nơi lớp sư phạm ở Rạch Dừa. Nhưng trên đường đi, chị nhìn thấy trên bờ bọn cảnh sát nguỵ mặc đồ vàng, chúng kêu tàu ghé lại, chị nói nhỏ với Hồng Ánh là không nhận quen biết nhau.
Chị xách một cái giỏ đựng quần áo (tài liệu đã gởi các anh đi đường giao liên), chúng xét tàu, xét hành khách, xét đến chị, chúng bảo: “Con nhỏ này móc đồ ra…”. Chị nói ngay: “Các ông muốn xét thì tự làm lấy”, chị cố ra vẻ làm dữ lại vì chị có căn cước hẳn hoi và để chúng không nghi ngờ. Chúng hùng hổ không chịu, chị liền cầm đít giỏ trút xuống làm quần áo đổ ra tung toé, cả quyển sách dưới giỏ cũng rớt ra. Chị thấy chúng mừng rỡ như tìm được của quý, chúng hét lên: “Tài liệu gì đây?”. Chị trả lời: “Các ông xem đi rồi biết”. Chị liếc thấy đó là quyển tiểu thuyết của Hồng Ánh mang theo mà chị không hay biết, chị thở phào nhẹ nhõm. Chúng bẽn lẽn bỏ đi.
Thấy không ổn, chị ra hiệu cho Hồng Ánh lên bờ đi xe lam về Tắc Vân. Lên xe rồi nhưng chưa đủ chỗ nên bác tài nổ máy đợi khách, thấy thế chị nói: “Bác tài ơi chạy đi, còn mấy chỗ ta rước dọc đường”. Xe mới chạy được vài chục mét, nghe tiếng còi cảnh sát thổi, xe dừng lại, chúng lên xe xét giấy. Chị có giấy chúng bỏ qua, đến Hồng Ánh không có giấy, Hồng Ánh chống chế: “Bà ngoại tôi bị bệnh nặng, gấp quá tôi quên cả giấy tờ”. Tên Hoàng Phi Hổ bảo chiếc xe vua chở Hồng Ánh đem về đồn. Chị xin quá giang về Tắc Vân, tên Hoàng Phi Hổ nói: “Mầy đi thì phải trả tiền”.
Trên xe, Hồng Ánh cho chị biết địa chỉ cậu Tám Đổng ở Tắc Vân để báo tin. Xe tới Tắc Vân, chị xuống xe đi vô chợ nhà lồng hỏi cô gái bán trái cây, may sao gặp ngay con cậu Tám dẫn chị vô nhà. Báo tin xong (lúc 8 giờ), chị từ giã ra đi về nhà cơ sở. Bất ngờ quá, dì Ba lúng túng sợ giặc biết, chị trấn tĩnh dì ngay: “Dì bình tĩnh, đừng quýnh dễ bị lộ…”. Lâu ngày không gặp, dì Ba mừng hỏi đủ chuyện, dọn cơm cho chị ăn, dì bảo không được ở lâu, chúng đánh hơi sẽ lộ. Chị trở lại chợ Tắc Vân lúc 2 giờ chiều cùng ngày, biết được gia đình cậu Tám lo lót đồn thả Hồng Ánh ra, đang ở nhà dưới dọn mâm chén bát đãi cho bọn lính vừa tan. Chúng quản thúc Hồng Ánh tại gia để ngày sau đem căn cước đến chuộc. Chị bàn với Hồng Ánh chỉ có con đường “chuồn” là thượng sách.
Kế hoạch được thực hiện: cậu Tám bố trí cho người con trai đưa chị và Hồng Ánh xuống tàu. Tàu vừa ra khỏi bến không xa, nghe tiếng còi biết là chúng xét. Chị liền nói với chủ tàu: “Chú có chỗ cho hai đứa tôi lánh mặt, do bà ngoại bệnh gấp quá tôi không mang căn cước theo”. Chủ tàu cằn nhằn: “Có bao nhiêu cũng quên”. Nhưng chủ tàu tốt bụng, cho hai chị vô trong tủ phía sau tàu lấy đồ phủ kín lại (như tủ để chứa đồ), chừa đủ chỗ để thở. Chị nghe bọn lính xét hỏi lung tung… Một hồi lâu tàu nổ máy chạy đi, chủ tàu vào kêu cho hay ổn rồi. Chị càng hiểu không có tường thành nào vững chắc hơn “luỹ thép lòng dân”.
Chị về cơ quan không lâu thì được đi học lớp cán bộ quản lý giáo dục Khu Tây Nam Bộ. Chị cùng Trường Hận khăn gói lên đường, theo đường giao liên vượt lộ qua đồn, qua sông Bảy Háp, sông Ông Đốc vào ven rừng U Minh. Chị được học ngay điểm trường của khoá trước để lại ở đê Cơi 5.
Về đây có gần 30 học viên khắp các tỉnh, lớp khai giảng ngày 9/11/1974, có mặt chú Mười On, chú Hai Hành và các thầy cô giáo… Trường do chú Sáu Thành làm Hiệu trưởng, chú Phong Ba làm Hiệu phó. Không có tài liệu, học viên vừa nghe thầy giảng, vừa ghi chép cẩn thận để làm tài liệu sử dụng khi về địa phương. Tập ghi chép chị còn lưu giữ, tuy mực đã phai màu, giấy đã vàng hoe theo thời gian hơn 40 năm.
Rừng U Minh nước đỏ, nhiều cá, nhiều rau rừng, đêm xuống tiếng cá lóc đớp mồi, tiếng các loại cá “ục” nghe như nhiều tiếng vỗ tay từ đồng xa vọng trong đêm thanh vắng… Mỗi tổ trực nhật một ngày, chỉ một tay lưới giăng quanh nhà dưới các con kinh, sáng ra cũng gần chục ký cá đủ ăn cho cả lớp. Rau thì hái quanh các liếp hoặc trồng cải để phục vụ lâu dài. Đất màu mỡ, hễ vãi hạt xuống, tưới nước, vun phân không bao lâu cây lên xanh tươi mơn mởn.
Đầu năm 1975, tin chiến thắng từ khắp các chiến trường bay về. Những tin tức thời sự được thầy cập nhật thông báo cho học viên. Cả lớp học với niềm hân hoan của người chiến thắng, ra sức tiếp thu kiến thức để chuẩn bị cho tình hình mới. Ngày 27/1/1975, lớp bế giảng, chị và các anh chị em học viên lưu luyến chia tay trở về địa phương.
Về đến quê hương, chị háo hức hoà vào khí thế tấn công của quân và dân Châu Thành. Ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Chị cùng đoàn quân giải phóng về tiếp quản Tắc Vân. Chị được phân công trong ban tiếp quản. Đang lúc ngồi ghi tên những người trong bộ máy chính quyền địch ra đăng ký, chị gặp tên sĩ quan cảnh sát Hoàng Phi Hổ ra đăng ký sau 10 ngày lẩn trốn. Nhìn hắn không còn dáng vẻ dữ dằn hung bạo ngày nào mà giờ đây sợ sệt, giọng run run khi chị nhận ra chân tướng của hắn. Chị nói rõ sự khoan hồng của cách mạng, khuyên hắn thành thật và trở về cuộc đời lương thiện…
Suốt thời gian dài gắn bó với giáo dục, chị tự hào được làm “nhà giáo kháng chiến”, biết lấy những kiến thức tiếp thu được ở trường đem trải nghiệm vào thực tế ở địa phương, góp một phần không nhỏ của mình vào sự nghiệp chung của nền “giáo dục giải phóng thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở miền Nam”./.
Huỳnh Thị Mỹ Huê