Những "cặp song sinh"? Theo quan sát của phóng viên, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh kẹo nhái các thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị… Những hộp bánh nhái thương hiệu được làm rất giống với hàng thật, vỏ hộp bánh có kiểu dáng, màu sắc tương tự nên người tiêu dùng khó có thể phân biệt với hàng chính hãng. Tại một cửa hàng tạp hóa ở xã Hồng Sơn (Mỹ Đức- Hà Nội) khi phóng viên hỏi mua một hộp bánh bông lan lá dứa Solite của Kinh Đô thì người bán hàng lại đưa cho một hộp bánh có màu sắc giống y với loại bánh này, tuy nhiên quan sát kỹ tên trên hộp bánh là Silate. Cơ sở sản xuất được in trên hộp bánh là đơn vị sản xuất gia công ở huyện Hoài Đức. Không chỉ có vậy, giá của hộp bánh bông lan lá dứa Solite loại 360g được bán với giá 54.000 đồng. Trong khi đó, hộp bánh nhái mang tên Silate được bán với giá 32.000 đồng. Theo quan sát của phóng viên, tại cửa hàng này còn bán loại bánh nhái như: Oseo (nhái Oreo), kẹo Nucoti (gần giống kẹo sữa Milkita). Trên thị trường, có nhiều thương hiệu gần như giống nhau về hình thức, mẫu mã, chỉ khác một vài chữ cái tên sản phẩm. Ví dụ một số sản phẩm tên hoặc hình thức giống các thương hiệu nổi tiếng như: Annablla (với Alpenliebe), Birio, Oseo (với Oreo), Custar, Custard (với Custas), Oriion (với Orion), Oshi (với Oishi), Damisa (với Danisa - Đan Mạch), ChocoPia (với ChocoPie) hay Cozy (với Cosy)… Các loại bánh này, hầu hết không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Địa chỉ nhà sản xuất in trên bao bì bánh kẹo nhái thường ghi địa chỉ cơ sở sản xuất chung chung, các chữ in trên hộp bánh thường không sắc nét. Trong khi đó, bánh kẹo chính hãng có địa chỉ rõ ràng, hình ảnh sắc nét. Ngoài ra, những sản phẩm này in thông tin về thành phần, giá trị dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng... như hàng thật nên người tiêu dùng khó phân biệt. Theo tìm hiểu của phóng viên, các loại bánh nhái thường được sản xuất ở các làng nghề thủ công, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sản phẩm nhái thường được trà trộn trong các gói quà hoặc bán nhiều ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, các thương hiệu bánh kẹo uy tín liên tục cảnh báo người tiêu dùng. Tuy nhiên, nạn hàng giả hàng nhái, sao chép nhãn hiệu, thương hiệu diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Do đó, không ít người tiêu dùng rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” mua phải hàng kém chất lượng. Trở thành người tiêu dùng thông thái Trong những năm qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện các cơ sở sản xuất thủ công sản xuất bánh kẹo kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đầu năm 2019, Đội Quản lý thị trường số 24 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh kẹo của Công ty Kim Thiên Phát (trụ sở tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện dây chuyền sản xuất bánh kẹo tại cơ sở này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ và làm nhái nhiều nhãn mác các thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng. Đại diện Đội Quản lý thị trường số 24 cho biết, tại cơ sở sản xuất bánh kẹo của Công ty Kim Thiên Phát, các khâu làm rất thủ công, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, đơn vị cũng phát hiện một số chất phụ gia không có nhãn mác. Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ hơn 100 thùng bánh giả các thương hiệu nổi tiếng, hơn 1.000 bao bì in nhái thương hiệu và tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định pháp luật. Theo chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt những sản phẩm sử dụng nhiều phụ gia, màu thực phẩm không rõ nguồn gốc,... nếu dùng lâu dài có nguy cơ gây ung thư. Bởi vậy, mỗi người tiêu dùng phải trở thành người tiêu dùng thông thái bằng việc lựa chọn những địa điểm mua hàng uy tín, nói không với sản phẩm, hàng hóa giá rẻ, không rõ xuất xứ, trôi nổi. |