Câu chuyện xung quanh các cuộc chiến tiền tệ lại bùng lên khi một số chính phủ Châu Âu đưa ra các biện pháp phá giá tiền tệ để kích thích xuất khẩu và đặc biệt là động thái bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất trong tháng này.
“Chiến tranh tiền tệ” ngày nay đã trở thành một cụm từ phổ biến. Lần đầu tiên cụm từ này được sử dụng bởi Bộ trưởng Tài Chính Brazil năm 2010, sau khi các quốc gia phát triển bao gồm Hoa Kỳ và khu vực đồng tiền chung Châu Âu ban hành một loạt các biện pháp phá giá tiền tệ để kích thích xuất khẩu.
Vào ngày 11/7, ECB đã cắt giảm lãi suất xuống một mức kỷ lục mới còn 0,25%, cùng với số liệu lạm pháp thấp bất ngờ đã dấy lên lo ngại rằng khu vực này đang rơi vào giảm phát.
Chủ tịch của ECB Mario Draghi khẳng định rằng tỷ giá hối đoái của Euro không phải là mục tiêu chính sách. Trên thực tế chính sách của ECB hướng đến mục tiêu duy nhất là kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, đồng Euro vẫn rơi từ 1,3526 USD xuống còn 1,3331 USD sau cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, đồng Euro phục hồi trong 13 ngày liên tiếp sau đó, đạt đến mức trước khi lãi suất bị cắt giảm vào sớm thứ 4 tuần trước. Nhiều chuyên gia đã cho rằng đồng tiền này sẽ không còn phải đối mặt với nguy cơ bị yếu đi. Tuy nhiên mọi việc thay đổi khi ECB bắt đầu bàn luận về việc đưa một lãi suất tiền gửi âm hôm thứ tư tuần trước.
Theo Jane Folay, chiến lược gia tiền tệ cao cấp của Rabobank cho rằng, tỷ giá EUR/USD được nâng đỡ quá nhiều. Điều này cho thấy đồng Euro đang thua trong cuộc chiến tiền tệ này.
Lee Hardman, chuyên gia tiền tệ của ngân hàng Tokyo-Mitsubishi cũng đồng ý với ý kiến của Folay, cho rằng sự phục hồi của đồng Euro gần đây trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm và lạm phát thấp càng nhấn mạnh rằng, khu vực này đang thất thế trong cuộc chiến tiền tệ.
Folay cũng nhấn mạnh, nếu như Mỹ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, ECB sẽ phải có động thái để ngăn chặn tỷ giá EUR/USD tiếp tục tăng lên.
Đồng Euro tăng giá cũng đồng nghĩa với việc sẽ cản trở nỗ lực của khu vực đồng tiền chung Châu Âu giành lại được năng lực cạnh tranh.
Một báo cáo từ Bloomberg News hôm thứ tư cho thấy, ECB đang cân nhắc việc sẽ đưa ra lãi suất tiền gửi -0,1%. Đồng Euro giảm xuống còn 1,3417 USD sau đó mặc dù có phục hồi nhẹ hôm thứ 5, được giao dịch ở mức 1,3466 USD ở London, sau khi Draghi phủ nhận về việc lãi suất tiền gửi âm.
Theo Hardman, ECB sẽ phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. “Với những biện pháp nới lỏng hiện nay gần như đã kiệt sức, ngân hàng ECB phải áp dụng các biện pháp đặc biết ví dụ như hạ lãi suất tiền gửi xuống mức âm trong bối cảnh tăng trưởng yếu và lạm pháp thấp trong toàn khu vực đồng tiền chung Châu Âu.”
Trong một báo cáo tiền tệ gần đây của HSBC, chuyên gia David Bloom cũng đồng ý về việc chính sách tiền tệ sẽ cần phải được nới lỏng ở khu vực này.
Lỗi do Đức?
Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung Châu Âu đã trên đà phục hồi, khi mà các quốc gia khác còn trong khó khăn, bị cho là đã cướp đi cơ hội phục hồi của các quốc gia khác trong khu vực khi mà Đức có thị trường xuất khẩu mạnh và thặng dư ngân sách.
Trên thực tế, Folay của Rabobank cho rằng sức mạnh của Đức đang hỗ trợ cho đồng Euro. “Đức đang giúp khu vực đồng tiền chung Châu Âu “thua cuộc” trong chiến tranh tiền tệ khi mà sự yếu đi của đồng tiền này là một kết quả đang được mong đợi.”
Đất nước này đã bị chỉ trích khi mà thặng dư thương mại đạt mức 18,8 tỷ Euro trong tháng 9 vừa qua. Sự phục hồi của xuất khẩu bị cho rằng đã làm tổn thương đến sự phục hồi kinh tế chung của Châu Âu.
Tuy nhiên, Pascal Lamy, cựu chủ tịch của tổ chức thương mại thế giới không đồng tình, ông cho rằng lý do mà nước Đức đạt thặng dư thương mại không phải là do tiền tệ. Theo ông, tỷ giá hối đoái thực dựa trên thương mại thì đang rất ổn định, ngay cả với những đồng tiền lớn như Euro và USD.
Mai Linh (Theo CNBC)