游客发表
Chi cho an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu
Từ giai đoạn 2001 - 2010, quy mô chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho an sinh xã hội bình quân đã tăng khoảng 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng thu NSNN (bình quân khoảng 9 - 10%/năm) và tốc độ tăng chi NSNN (bình quân khoảng 12%/năm). Đặc biệt, chi an sinh xã hội đã tăng nhanh kể từ năm 2008, với việc triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, trong đó có nhóm các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí.
Tổng chi cho an sinh xã hội nếu như năm 2012 bằng 5,88% GDP thì đến năm 2015 con số này tăng lên trên 6,6% GDP và 2017 là gần 8,58% GDP. Mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng chính sách và các khoản chi dành cho lĩnh vực này không bị cắt giảm; các chính sách xã hội được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt trong thời gian gần đây, nguồn NSNN chi cho giảm nghèo và an sinh xã hội đã không ngừng tăng lên và phát huy hiệu quả ngày càng cao. Cụ thể: Năm 2017, ngân sách đã dành kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 7.231 tỷ đồng. Năm 2018, ngân sách trung ương (NSTW) đã bố trí thực hiện cho chương trình giảm nghèo bền vững là 7.305 tỷ đồng. Năm 2019, NSTW bố trí trên 10.400 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng địa phương và các nguồn huy động hợp pháp tại 40/63 tỉnh là 2.177 tỷ đồng.
Năm 2020, nguồn NSNN chi hỗ trợ người nghèo đối phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tăng lên đáng kể và đang phát huy tác dụng lớn trong cộng đồng, xã hội. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN. Bên cạnh đó, diễn biến bất thường của thiên tai ngay từ đầu năm như mưa đá, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ, ngập lụt ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp, chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trên diện rộng, như: tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm; giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiêu liệu bay; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; giảm tiền thuê đất… Đến nay, các chính sách trên đã góp phần giảm, giãn khoảng 100 nghìn tỷ đồng nghĩa vụ nộp NSNN.
Khó khăn vẫn phải đảm bảo nguồn chi
Mặc dù điều kiện NSNN còn gặp nhiều khó khăn, song vẫn ưu tiên bố trí đủ các khoản chi cho an sinh xã hội, cho các đối tượng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, nguồn chi ngân sách ngày càng có hạn, trong khi vẫn phải đảm bảo chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, chi cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Tại nghị trường Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục quan tâm đến các chính sách về an sinh xã hội, đặc biệt cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Để giải quyết triệt để những vấn đề khó khăn trước mắt và lâu dài, các đại biểu hiến kế, cần tập trung vào một số giải pháp trên cơ sở phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, tăng cường nguồn đầu tư và hỗ trợ từ trung ương với vai trò dẫn dắt và khai thông các nguồn lực của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư để nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại; đảm bảo an sinh xã hội, kết hợp lồng ghép đồng bộ giữa xóa đói, giảm nghèo với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh nguồn ngân sách từ trung ương, cần tăng cường huy động nguồn ngân sách địa phương, các nguồn tài chính ngoài ngân sách như nguồn tín dụng, nguồn vốn nước ngoài, nguồn hỗ trợ, đóng góp của người dân. Điều này đòi hỏi sự chủ động của chính quyền địa phương trong thực hiện các chính sách về an sinh xã hội.
Mặc dù chính sách của nước ta hết sức nhân văn, với mục tiêu không bỏ ai ở lại phía sau, tuy nhiên, đối với các chính sách an sinh xã hội, không thể chỉ trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách mà cần tăng cường huy động các nguồn lực khác. Theo đó, cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện, tình nguyện dựa vào sự tham gia của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực từ nước ngoài, cũng như kinh nghiệm của các nước trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Triệt để tiết kiệm, dành nguồn chi cho an sinh xã hội Trả lời phỏng vấn TBTCVN, một số đại biểu Quốc hội đồng tình khi cho rằng cần phải siết lại các khoản chi không cần thiết, đặc biệt tiết kiệm triệt để, dành nguồn để chi cho an sinh xã hội. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước thời gian tới còn nhiều khó khăn, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đồng tình việc tạm dừng tăng lương cơ sở trong năm 2021 cho các đối tượng, song cần phải đảm bảo nguồn để chi cho an sinh xã hội, cho các đối tượng yếu thế. |
Nguyễn Duy An
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接