Nửa đầu năm, cơ bản giá xăng dầu giảmTheo lãnh đạo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá dầu thế giới đang phục hồi trước các tác động từ nguồn cung thu hẹp và điều này có thể ảnh hưởng tới giá xăng dầu trong nước. Theo điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính vào ngày 21/7 vừa qua, xăng E5 RON 92 tăng 1.220 đồng/lít, lên 21.630 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.300 đồng/lít, lên 22.790 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 890 đồng/lít lên 19.500 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 870 đồng/lít, lên 19.190 đồng/lít. Dầu mazut tăng 440 đồng/kg lên 15.725 đồng/kg. Việc giá bán lẻ trong nước tăng trên 1.200 đồng chủ yếu do giá thế giới đi lên 10 ngày qua. Nếu so với vùng giá thấp hồi cuối tháng 6/2023, giá dầu hiện tại đã tăng khoảng 12%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá xăng dầu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm nhưng ở mức cao do vẫn chịu tác động bởi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương (chủ trì) có 17 đợt điều hành giá xăng dầu trong nước (tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023). Vào thời điểm đó, giá xăng dầu các loại đã giảm so với đầu năm 2023 nhờ mức điều chỉnh giảm mạnh trong các lần điều hành giá tháng 5 (trừ mặt hàng dầu mazut lại tăng), mức giá các mặt hàng xăng dầu trong nước (kỳ điều hành ngày 22/5/2023) so với mức giá kỳ điều ngày đầu năm 2023 giảm khoảng từ 1,4% đến 18,9%, riêng giá dầu mazut tăng 11,2% và so với bình quân năm 2022 thì tất cả các mặt hàng xăng dầu đều giảm từ 13% - 24,7%. Theo Báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 7 từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lần đầu tiên ước tính thị trường thâm hụt trung bình khoảng 60.000 thùng/ngày trong năm 2023, sau khi liên tục dự báo thị trường sẽ thặng dư nhẹ trong các báo cáo tháng trước đó. "Rủi ro nguồn cung thu hẹp vẫn đang là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu thế giới trong ngắn hạn, nhưng xu hướng giá cuối năm sẽ còn phụ thuộc vào bài toán tăng trưởng. Nếu tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới vẫn còn hạn chế, xu hướng tăng sẽ không quá mạnh” - EIA dự báo. Luôn đặt trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lýGiá xăng dầu chiếm vai trò quan trọng trong cấu thành chi phí vận tải. Thông thường, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành vận tải đường bộ, lên tới 35 - 40%, từ đó sẽ có tác động tới giá cả hàng hóa.
Hơn nữa, xăng dầu thành phẩm cũng là 1 trong 9 mặt hàng bình ổn giá theo Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua nhằm điều tiết cung cầu, điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng không quá chủ quan khi các biến số kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới xu hướng giá xăng dầu trong nửa cuối năm nay. Mặt hàng chiến lược này phải luôn đặt trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý giá. Do đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục theo dõi sát sao các điều kiện vĩ mô thế giới, bên cạnh yếu tố nguồn cung về dầu thô, nhằm kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với giá cả trong nước, đảm bảo các cân đối của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023. Trong giai đoạn nửa cuối năm nay, giới chuyên gia dự báo, giá xăng dầu và giá hàng hóa vẫn sẽ đảm bảo sự hài hòa cho lợi ích người tiêu dùng, góp phần giữ lạm phát ở mức mục tiêu, giúp bình ổn tăng trưởng kinh tế trong nước. Còn nhớ vào năm ngoái, giá xăng dầu tăng cao cùng với những điều chỉnh liên quan đến giá xăng dầu khiến các chỉ tiêu về CPI, lạm phát cũng có tác động đáng kể. Xăng dầu là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, giá cả hàng hóa, dịch vụ, tác động mạnh đến chỉ số lạm phát. Có các nghiên cứu đưa ra tính toán giá xăng dầu nếu tăng 30% - 40% thì lạm phát sẽ tăng từ 1% đến 1,2%. Do đó, giá xăng dầu giảm sẽ có tác động lan tỏa lớn giúp cho chỉ số giá tiêu dùng giảm theo và là biện pháp chống lạm phát hiệu quả. Việc điều hành giá xăng dầu cùng với các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu sẽ góp phần hiệu quả, tích cực trong ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng đạt mục tiêu đề ra.
|