Nhiều "kỳ vọng" giảm tốc... Bộ KH&ĐT hồi cuối năm 2018 đã dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với tăng trưởng kinh tế vào khoảng 6,6-6,8%, trong đó tăng trưởng quý I/2019 sẽ vào khoảng 6,76%. Tuy nhiên, trên cơ sở số liệu thực hiện 2 tháng đầu năm 2019, đầu tháng 3/2019 Bộ KH&ĐT đã có động thái điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng theo hướng hạ dự báo tốc độ tăng trưởng quý I/2019 xuống mức 6,58%. Sự lo ngại này không phải không có cơ sở, bởi theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhiều ngành kinh tế có mức tăng trưởng thấp hơn so với năm ngoái. Trong quý I/2019, ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 3,97% của quý I/2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Quý I/2019 là thời gian lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là ngành chăn nuôi khi phải đối mặt với dịch tả lợn châu Phi. Ngành chăn nuôi lợn chiếm 53% giá trị của cả ngành chăn nuôi, với việc cơ quan chức năng đã phải tiêu hủy 82.200 con lợn trên cả nước sau khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng đã khiến người dân giảm đàn, ngừng chăn nuôi, điều này đã tác động làm giảm 0,02 điểm phần trăm GDP. Bên cạnh đó, ngành khai khoáng quý I năm nay tăng trưởng âm (giảm 2,2%), làm giảm 0,15 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 10,3% và khí đốt tự nhiên giảm 2,4%... Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh phân tích, sở dĩ GDP đầu năm 2019 thấp hơn cùng kỳ 2018 xuất phát từ nguyên nhân chính là do năm 2018 nền kinh tế ghi nhận những DN FDI lớn như Samsung, Formosa... bắt đầu vận hành một số tổ hợp sản xuất..., giúp cho GDP quý I/2018 tăng cao. Đến nay, khi những tổ hợp này đi vào sản xuất với quy mô sản xuất ổn định thì phần gia tăng không còn, do đó không có yếu tố đột biến để tăng trưởng cao hơn, hay nói cách khác là động lực tăng trưởng đang tới hạn. Điều này cũng được ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê đề cập tới khi phân tích các nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng GDP quý I năm nay thấp hơn 2018. Theo ông Thúy, công nghiệp chế biến chế tạo là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế nhưng quý I/2019 ngành công nghiệp này có mức tăng trưởng thấp hơn năm 2018 do tác động từ việc ngành công nghiệp mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao là sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, quang học giảm. Ngành này hiện tăng 2,9% nhưng cùng kỳ năm trước tăng trên 3,4%. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong ba tháng đầu năm, mặt hàng xuất khẩu giá trị cao nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện điện tử chỉ đạt 12,1 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. "Cứu cánh" đến từ nhiều lĩnh vực khác Tuy nhiên, trái ngược với sự lo ngại, cho dù có nhiều ngành kinh tế giảm tốc, tăng trưởng kinh tế quý I đã cao hơn kỳ vọng. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2019 đạt mức tăng trưởng khá khi tăng 6,79% so với cùng kỳ 2018. Tuy tốc độ tăng trưởng giảm so với năm 2018 (quý I/2018 GDP tăng tới 7,45%) nhưng mức tăng 6,79% của quý I năm nay là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009 trở lại đây. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bức tranh tổng thể cho thấy con số tăng trưởng GDP quý I là khá ấn tượng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý I/2019 tiếp tục có những nét chuyển biến tích cực. Vậy tăng trưởng kinh tế cao nhờ những yếu tố nào? Về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng sở dĩ có nhiều khó khăn nhưng GDP quý I vẫn khả quan là do một số điểm sáng vẫn được duy trì như ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng tương đương năm trước. Cụ thể, bán buôn và bán lẻ tăng 7,82% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung với 0,95 điểm phần trăm, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,22%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm... Trong quý I, cả nước có hơn 28 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong 3 tháng đầu năm, thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục với gần 10,8 tỷ USD, tăng tới 86,2% so với cùng kỳ năm 2018 đồng thời giải ngân vốn đầu tư FDI cũng đạt kết quả ấn tượng với hơn 4 tỷ USD đã đi vào nền kinh tế, tăng hơn 6% so với năm 2018. Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu... Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, công nghiệp là điểm sáng tăng trưởng và đóng góp tích cực cho nền kinh tế. “Trong đó, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018 nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012-2017, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm phần trăm”, ông Phạm Đình Thúy nói. Ông Thúy cũng nhấn mạnh, dù thấp hơn năm 2018 nhưng việc ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tốc độ tăng trưởng trên hai con số cũng đã là kỳ tích. Nhận định về tác động của tăng trưởng GDP quý I tới tăng trưởng GDP thời gian tới, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, GDP quý I/2019 đạt mức tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua, môi trường đầu tư kinh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần, năng lực sản xuất của nền kinh tế được mở rộng..., tất cả những yếu tố này sẽ tạo đà cho nền kinh tế phát triển trong những quý tiếp theo. Tuy nhiên, dưới góc độ khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm sẽ còn đối mặt với nhiều trở ngại. Theo chuyên gia Đinh Tuấn Minh, đến nay động lực tăng trưởng tương tự như Samsung hay Formosa hoặc những dự án “khủng” là chưa có, do đó, nền kinh tế không có con đường nào khác hơn là sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính đó là nhu cầu tiêu thụ của nước ngoài (tức là XK) và tăng tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại và giảm, điều đó có nghĩa XK của Việt Nam sẽ khó có được kỳ vọng tăng trưởng tốt như 2017-2018. Đây là yếu tố ảnh hưởng, hạn chế đến tốc độ tăng trưởng chung. Đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước thì hiện dư địa để tăng tiêu dùng là hạn chế. Do đó, chuyên gia này cho rằng, kỳ vọng tăng trưởng cao hơn mức tiềm năng (ở mức 6,4-6,5%) là rất khó.
|