Tại buổi điện đàm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá cao phản ứng nhanh, tích cực của ADB cũng như các nhà tài trợ khác để phối hợp hỗ trợ các quốc gia trong đó có Việt Nam để ứng phó với tác động do đại dịch gây ra.
Bộ trưởng cảm ơn phát biểu của ngài Chủ tịch ADB là “ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các hoàn cảnh khó khăn hiện nay”.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đối với nhu cầu hỗ trợ của ngân sách nhà nước, hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương đánh giá tác động của đại dịch đến thu - chi và cân đối ngân sách cũng như đánh giá các nguồn lực có thể có để đáp ứng yêu cầu phản ứng với đại dịch của ngân sách, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và các năm tiếp theo, cập nhật trao đối với ADB về các phương án cho vay hỗ trợ ngân sách trung ương.
Đối với gói hỗ trợ cho Việt Nam khoảng 300 - 500 triệu USD để chống dịch Covid -19, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ giao các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với ADB để tiếp tục trao đổi về khả năng, điều kiện của các gói cho vay hỗ trợ của ADB; đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc triển khai các chương trình, các gói hỗ trợ kinh tế, chống lại tác động của đại dịch đối với Việt Nam.
Trường hợp có nhu cầu sử dụng các gói cho vay hỗ trợ của ADB, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trao đổi và thực hiện các thủ tục về huy động vốn theo quy định của pháp luật đối với huy động vốn vay cho ngân sách nhà nước, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi điện đàm. Ảnh Đức Minh |
Điện đàm với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch ADB - Masatsugu Asakawa chúc mừng Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp cách ly hiệu quả. Một vấn đề khác Việt Nam đang gặp phải là thiếu hụt bộ kít thử và các thiết bị cấp cứu khẩn cấp. ADB đã làm việc với các quốc gia và đối tác để tìm kiếm giải pháp tốt nhất.
Trao đổi về gói hỗ trợ mới của ADB, ông Masatsugu Asakawa cho biết, để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của các quốc gia thành viên, ngày 18/3, ADB đã thông báo gói hỗ trợ đầu tiên trị giá 6,5 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các quốc gia đang phát triển.
Gói hỗ trợ này bao gồm 3,6 tỷ USD dành cho khu vực công đối với các hoạt động liên quan đến lĩnh vực từ y tế tới kinh tế, do hậu quả dịch bệnh để lại và 1,6 tỷ USD dành cho khu vực tư nhân, cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do dịch bệnh.
"Để cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp và linh hoạt, chúng tôi sẽ điều chỉnh công cụ tài chính và quy trình thực hiện từ phía Việt Nam", ông Masatsugu Asakawa cho biết.
Về phía ADB, việc phê duyệt của Ban Giám đốc ADB cũng sẽ diễn ra nhanh hơn để hỗ trợ ngân sách cho các hoạt động khẩn cấp và có thể tiếp cận nguồn với các điều khoản ưu đãi hơn, điều kiện vay ưu đãi hơn, thủ tục linh hoạt nhanh gọn hơn để ứng phó với đại dịch.
Ông Masatsugu Asakawa nhấn mạnh, ADB sẵn sàng cung cấp thêm các hỗ trợ tài chính và tư vấn chính sách trong suốt quá trình bất cứ khi nào Việt Nam có yêu cầu, hoặc khi gói hỗ trợ 6,5 tỷ USD được sử dụng hết./.
Đức Minh