Bởi lẽ theo ông Đỗ Nhất Hoàng, việc DN làm ăn thua lỗ mà mở rộng sản xuất là rất bình thường. Bởi lẽ do thua lỗ nên DN cần phải huy động vốn để mở rộng sản xuất nhằm thay đổi phương thức kinh doanh. Thực tế có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong chiến lược kinh doanh phải chấp nhận lỗ trong giai đoạn đầu.
Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý Nhà nước phải chứng minh được các DN này có thực sự chuyển giá hay không và hành vi chuyển giá này gây ảnh hưởng đến mức độ nào cho NSNN. Cơ quan Thuế chỉ có thể đưa ra kết luận khi đã thu thập được thông tin đầy đủ và toàn diện về các hoạt động thực tế của DN cũng như hoạt động thực tế của bên thứ 3 (DN độc lập) và thường là sau thanh tra, kiểm tra thì mới có kết luận.
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2014, khi thanh tra, kiểm tra tại hơn 39.000 DN, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 2.000 DN có dấu hiệu chuyển giá, truy thu hơn 1.000 tỷ đồng, giảm lỗ lên tới trên 4.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là hiện tượng chuyển giá hiện không chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực DN FDI như trước mà đã có dấu hiệu lan sang cả một số DN trong nước, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, làm thất thu NSNN và gây tác động xấu tới môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Phụng, xu hướng né thuế, tránh thuế là xu hướng chung mà các DN trên thế giới đang sử dụng. DN chuyển giá là do họ kỳ vọng có lợi thì mới làm. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng này, ngành Thuế cũng đang tập trung xây dựng các tiêu chí đánh giá rủi ro, quy trình trong thanh tra giá chuyển nhượng. Trong đó, việc DN liên kết kê khai thua lỗ liên tục mà vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh là tiêu chí được ưu tiên để rà soát, lựa chọn và tăng cường thanh tra, kiểm tra về giá chuyển nhượng đối với các DN này.
“Tổng cục Thuế đang tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ thuế chuyên trách, chuyên sâu và chuyên nghiệp về chuyển giá; Xây dựng cơ sở dữ liệu so sánh phục vụ cho công tác phân tích rủi ro và thanh tra hoạt động chuyển giá. Đồng thời cơ quan thuế cũng sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra đối với các DN có dấu hiệu chuyển giá lớn, làm trong sạch môi trường đầu tư và tạo ra sự bình đẳng giữa các DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế”- ông Nguyễn Văn Phụng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, hiện không thể nói sẽ thanh tra bao nhiêu DN FDI nhưng chắc chắn sẽ có nhiều DN vào diện "tầm ngắm" thanh tra của cơ quan Thuế như: DN kê khai lỗ do vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu nên chi phí lãi vay lớn dẫn đến lỗ nhưng vốn vay lại thuộc công ty mẹ, công ty thành viên hỗ trợ nên số lỗ được tính vào công ty mẹ ở nước ngoài; DN khai lỗ do nâng giá thiết bị đầu vào, mua thiết bị, nguyên liệu đầu vào, có giao dịch liên kết với công ty mẹ… Ngoài ra, cơ quan Thuế sẽ thu thập thông tin từ quản lý thuế, các ngành liên quan, thông tin thuế ở các nước và thông tin từ báo chí để thực hiện thanh, kiểm tra DN.
“DN nên biết rằng, biện pháp thanh tra, kiểm tra chỉ thực hiện đối với DN có nghi vấn, rủi ro cao; DN bị xử lý khi cơ quan Thuế có đầy đủ thông tin, cơ sở để chứng minh là DN vi phạm còn DN làm ăn chân chính không phải lo sợ”- ông Nguyễn Văn Phụng khuyến cáo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phụng, một trong khó khăn cho cơ quan Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá chính là việc ngành Thuế chưa được trao quyền điều tra. Hiện nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới thực hiện có hiệu quả về công tác kiểm soát hoạt động chuyển giá đều được trao quyền điều tra. Đồng thời, phải xác định rằng công tác thanh tra hoạt động chuyển giá không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Thuế mà còn cần sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng...