World Cup 2022 đã chính bắt đầu và hiện tượng cá độ bóng đá cũng nóng trở lại. Ở nước ta,ưuýkhimuanhàcửaxecộgiárẻmùti so bóng đá pháp luật chỉ cho phép đặt cược bóng đá quốc tế và thực hiện tại doanh nghiệp được cấp phép theo Nghị định 06/2017. Tuy nhiên vào tháng 8-2022 vừa qua, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết chưa có cơ quan, doanh nghiệp nào đảm bảo đủ điều kiện để làm cá cược thể thao.
Như vậy, có thể nói ở nước ta hiện nay, cá độ bóng đá là hành vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động cá độ đá banh vẫn diễn ra trên nhiều hình thức khác nhau và trong nhiều trường hợp những người thua cá độ đá banh có thể bán nhà đất, xe cộ... để có tiền chơi tiếp với giá "rẻ" hơn trên thị trường.
Nắm bắt điều này, nhiều người có suy nghĩ đến việc mua nhà đất của những người thua độ, PLO trích dẫn một số quy định của pháp luật liên quan đến nhà đất để mọi người lưu ý, tránh trường hợp tiền mất tật mang.
Tài sản chung phải có sự đồng ý của vợ, chồng
Trong trường hợp mua nhà, đất đang là tài sản chung thì theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì khi chuyển nhượng phải có sự đồng ý bằng văn bản của vợ/chồng.
Cụ thể, điểm a, khoản 2, Điều 35 Luật này quy định việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: Bất động sản;…".
Phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ nếu như đất của hộ gia đình
Trong trường hợp mua nhà đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền ký tên. Đồng thời, việc chuyển nhượng chỉ được thực hiện nếu được tất cả các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Để tránh rủi ro pháp lý người nhận chuyển nhượng cần tìm hiểu kỹ và thực hiện các thủ tục theo quy định (ảnh minh hoạ). Ảnh: NC |
Nhà, đất phải có sổ hồng mới đủ điều kiện mua bán
Theo quy định tại khoản 1, Điều 188 Luật Đất đai 2013, một trong những điều kiện người sử dụng đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chủ sở hữu nhà ở được bán nhà ở của mình là phải có giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng). Trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 186 (quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam) và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1, Điều 168 (thời điểm thực hiện các quyền của người sử dụng đất).
Riêng đối với nhà ở được quy định rõ tại khoản 1, Điều 118, Luật Nhà ở 2014. Cụ thể, một trong những điều kiện để giao dịch về mua bán, cho thuê mua…bằng nhà ở thì nhà ở là phải có giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật (trừ các trường hợp : nhà ở hình thành trong tương lai, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước…)
Do vậy mà khi giao dịch chuyển nhượng mua bán nhà đất thì cần có sổ hồng để tránh gặp rủi ro pháp lý về sau.
Phải đăng ký sang tên thì mới sở hữu hợp pháp
Điểm a, khoản 4, Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định khi chuyển nhượng nhà đất phải đăng ký biến động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng nhà đất có hiệu lực phải đăng ký biến động (đăng ký sang tên).
Khoản 3, Điều 188 Luật đất đai cũng nêu rõ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Như vậy, khi thực hiện mua bán, chuyển nhượng nhà đất hai bên sau khi thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng theo quy định thì phải liên hệ văn phòng đăng ký đất đai để tiến hành thủ tục đăng ký biến động trên giấy chứng nhận, sau khi được đăng ký sang tên thì người nhận chuyển nhượng được coi là sở hữu hợp pháp.
Ngoài ra, đối với tài sản là xe máy, xe ô tô thì cần có đầy đủ giấy tờ xe chứng minh quyền sở hữu, lập hợp đồng mua bán với chủ sở hữu có công chứng, chứng thực để đảm bảo việc mua bán hợp pháp và đủ điều kiện sang tên xe.
Đặc biệt không mua lại, sử dụng các tài sản không rõ ràng về nguồn gốc, hoặc các tài sản do người không phải chủ sở hữu bán mà biết hoặc nghi ngờ có nguồn gốc từ việc cá độ, tránh bị truy cứu về hành vi "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
(Theo Pháp Luật TP.HCM)