Trong lĩnh vực giáo dục,điểmthicủahọcsinhlagravephạmelbourne victory vs western united việc ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp, các bậc học. Bởi ứng dụng CNTT trong dạy học giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy. Hơn nữa, ứng dụng CNTT sẽ giúp các thầy cô tìm hiểu và nắm bắt thêm những kiến thức của nhiều chuyên ngành khác và nâng cao kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong thiết kế bài giảng; giúp giáo viên chia sẻ bài giảng với đồng nghiệp, cùng thảo luận và nâng cao chất lượng giáo án.
Minh họa:S.H
Đối với học sinh, các em được tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn hơn cách học truyền thống là đọc và chép. Ngoài ra, sự tương tác giữa thầy và trò cũng được cải thiện đáng kể, học sinh có nhiều cơ hội được thể hiện quan điểm cũng như chính kiến của mình. Điều này không chỉ giúp các em ngày thêm tự tin mà còn để giáo viên hiểu hơn về năng lực, tính cách và mức độ tiếp thu kiến thức của học trò, từ đó có những điều chỉnh phù hợp và khoa học. Việc được tiếp xúc nhiều với CNTT trong lớp học còn mang đến cho các em những kỹ năng tin học cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây sẽ là nền tảng và sự trợ giúp đắc lực giúp học sinh đa dạng và sáng tạo các buổi thuyết trình trước lớp.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong bài viết này là việc ứng dụng CNTT trong giáo dục đang gặp phải hệ lụy từ các trang mạng xã hội và rào cản về mặt pháp luật. Cụ thể, như mọi người đã biết, nhờ ứng dụng CNTT nên ngày nay chỉ cần ngồi ở nhà các em và phụ huynh đều có thể biết được kết quả học tập của mình và của con em. Thực tế trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, ngay sau khi có kết quả, chỉ cần vài cái nhấp chuột là có thể dễ dàng tra cứu điểm thi của học sinh, bởi nó được công khai trên internet. Và điều đáng lưu ý là sau đó, những thông tin về điểm thi của học sinh lại được chia sẻ “vô tội vạ” trên các trang mạng xã hội. Khi thông tin về kết quả học tập, kết quả thi được công khai trên mạng xã hội, dù là kết quả cao hay thấp, kèm theo đó là những bình luận mang tính mua vui, thậm chí là nhạo báng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng của học sinh, đặc biệt là trẻ em. Thực tế có nhiều trường hợp vì kết quả thi kém mà học sinh bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến những hậu quả đau lòng. Thậm chí có học sinh bị tác động bởi điểm thi thấp, bị bạn bè chê cười, rồi dẫn đến tự ti, mặc cảm và cuối cùng là có hành động dại dột.
Về mặt pháp lý, việc công khai điểm thi của học sinh còn có thể vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, đặc biệt là bí mật cá nhân của trẻ em. Cụ thể, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2017 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, như sau:Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bên cạnh đó, Luật Trẻ em năm 2016 quy định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi” và cấm: Cung cấp dịch vụ internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em (các khoản 10, 11, Điều 6, Luật Trẻ em).
Tại Điều 33, Luật Trẻ em về thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em có quy định như sau: Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
Việc công khai điểm thi là xuất phát từ mong muốn minh bạch trong quá trình thi cử, đảm bảo sự giám sát của xã hội, đồng thời cũng tạo thuận lợi để CNTT phát triển và mang lại tiện ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc thực hiện công khai ở mức độ nào để đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống của học sinh, đặc biệt là bảo vệ được quyền riêng tư của học sinh, trẻ em. Ví dụ như, nhà trường có thể công khai minh bạch kết quả học tập, điểm thi các môn của học sinh, nhưng chỉ có cha mẹ mới biết mật khẩu để xem. Hoặc nhà trường gửi kết quả học tập của học sinh về địa chỉ email của phụ huynh. Nếu gia đình nào không có máy tính, điện thoại thông minh thì nhà trường thông báo phụ huynh đến trường để biết và cuối cùng là ghi vào sổ liên lạc. Bên cạnh đó, để ngăn chặn tình trạng lạm dụng CNTT, cụ thể là các mạng xã hội trong việc phát tán, bình luận, chia sẻ thông tin liên quan đến trẻ em, học sinh... thì rất cần có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm.
N.V