(CMO) Mỗi lần về viếng Đền thờ Vua Hùng tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, chúng tôi thêm một lần bồi hồi trước công đức, sự hy sinh của biết bao lớp tiền nhân. Đâu phải ai cũng để ý, tháng Ba âm lịch thường rơi vào tháng Tư dương lịch, mà tháng Tư thì có một sự kiện trọng đại: ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phải chăng khí thiêng sông núi, công đức cao vời của người đi trước hội tụ lại để làm nên một chiến thắng lẫy lừng.
Với người dân Tân Phú, đền thờ Vua Hùng là không gian thiêng liêng, nơi để mỗi người thêm gắn bó, tự hào vì là người Việt Nam. |
Người Cà Mau tự hào là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL có Đền thờ Vua Hùng. Càng tự hào hơn, trên quê hương xây dựng đền thờ Quốc Tổ, một cuộc sống tươi mới đang lan toả khắp mạch đất, lòng người. Bên dòng Bạch Ngưu, con đường cái quan mà dòng người lưu dân mở đất ngược xuôi khi ấy, một ngôi miếu thờ đơn sơ nhưng trang trọng được dựng lên. Trong miếu có bài vị ghi mấy chữ “Nho”, đại để là thờ “ông Vua”, nên dân gian gọi là “Miếu ông Vua”.
Nét đẹp thiêng liêng
Đến đất Giao Khẩu, những người mở đất dường như đã có lựa chọn ưng ý để gắn bó đời đời. Miếu ông Vua trở thành một dấu ấn sâu đậm trong đời sống tâm linh, của tấm lòng hướng về nguồn cội dân tộc. Rồi cho đến hơn 150 năm sau, hương khói ở miếu ông Vua chưa bao giờ gián đoạn.
Ông Bảy Thông (Phan Văn Thông) kể: “Tía của tôi thuộc lớp người thứ 2 trông nom, thờ tự đền thờ này, tôi là thế hệ kế tiếp, năm nay cũng đã “hàng tám” rồi còn gì”. Trên 150 năm, từ ngôi miếu đơn sơ bằng cây gỗ, lá dừa nước, qua bao bom đạn chiến tranh, ngôi đền vẫn trầm mặc, uy nghiêm và được khói hương cẩn thận.
Theo những bậc cao niên tại đây, thời kháng chiến chống Pháp, chính quyền tay sai và hương thân làng xã đều tổ chức cúng bái rất rầm rộ, kéo dài mấy ngày. Sau này, thời Mỹ - Diệm, Mỹ - Thiệu, phía bên kia cũng không cấm cản người dân cúng bái. Chỉ có điều bom đạn ác liệt, có lúc dân Giao Khẩu di tản gần hết. Tuy nhiên, bà con ở sát cạnh ngôi đền vẫn quyết lòng bám trụ. Sau những trận bom đạn ác liệt, miếu thờ lại ấm áp khói hương. Tới ngày giỗ Tổ, ít hay nhiều người dân Giao Khẩu cũng có lễ vật để tỏ lòng thành kính.
Xứ sở Tân Phú trọn lòng theo cách mạng, đền thờ Vua Hùng chứng kiến biết bao biến thiên thời cuộc, là minh chứng cho tấm lòng sắt son của người dân nơi đây với Đảng, với Bác Hồ. Từ một vùng đất hoang vu, cằn cỗi, biết bao thế hệ đã chung tay để dựng xây nên quê hương trù phú như tên gọi ngày nay. Vượt lên trên chết chóc, đạn bom, người Tân Phú đang trên hành trình mới với thật nhiều niềm tin, hy vọng. Trong suốt chặng đường đó, tín ngưỡng thờ Vua Hùng là điểm tựa thiêng liêng, là sợi chỉ vàng bền chặt kết nối sức người, tinh hoa trời đất.
Quê hương đổi mới
Tân Phú chưa là xã nông thôn mới, thế nhưng cuộc sống nơi đây đang cho thấy những tín hiệu tích cực, vững bền. Chị Trần Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Tân Phú chia sẻ: “Địa phương vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. Tân Phú luôn nỗ lực nâng cao mặt bằng đời sống bà con, phát triển phải ổn định và bền vững”.
Với thế mạnh kinh tế lúa - tôm, mô hình đa cây, đa con, người nông dân nơi đây đã dần chiến thắng được đói nghèo. Tính đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,25%. Dù mới đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng “cái chất” của từng tiêu chí đã rất vững.
Công tác giáo dục truyền thống luôn được các thế hệ, các cấp, các ngành của Tân Phú coi trọng, đó cũng là một trong những vốn liếng tinh thần quý giá. |
Anh Thạch Hồng Chiến, Bí thư Chi bộ ấp Tapasa 1, xã Tân Phú phấn khởi: “Mùa lúa rồi trúng lắm, có nơi gần 50 giạ/công, cộng thêm con tôm nữa nên bà con mừng lắm”. Ấp có 119 hộ người Khmer, trước đây hầu như thuộc đối tượng khó khăn thì nay chỉ còn 21 hộ nghèo.
Anh Chiến bộc bạch: “Nhiều người trước đây không đất, cứ bó tay chịu nghèo, mình vận động đi làm, đi tìm việc, giờ đã ổn định hết”. Anh Nguyễn Văn Em, Trưởng ấp Tapasa 1, trãi lòng: “Nói tới ấp này trước đây ai cũng ngán, vì nghèo khó quá trời mà. Bây giờ thì khác rồi. Cứ nhìn vào nhà cửa, phương tiện đi lại, nghe nhìn, thu nhập... của bà con người Khmer thì hiểu đời sống thế nào”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Tân Xuân, từ Hà Nam cô vô đây 30 năm, thành người Cà Mau rồi. Năm nào cô cũng đến dâng hương Đền Hùng. Đã là con dân Vua Hùng thì nơi đâu có đền thờ Vua Hùng thì nơi đó là đất Tổ. Trường tiểu học Tân Xuân và các trường học trên địa bàn Tân Phú rất coi trọng việc giáo dục ý thức cho học sinh, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, đặc biệt là các thông tin về đền thờ Vua Hùng. Không chỉ vậy, ông bà, cha mẹ, người thuộc bậc cao niên, có dịp lại lưu truyền những câu chuyện về đền thờ Vua Hùng, coi đó cũng là thứ hành trang mà đã là người Tân Phú thì phải mang theo.
Ông Bảy Thông cho hay, mấy năm nay lễ giỗ càng ngày càng lớn, bà con tề tựu càng đông, ngặt nỗi là cơ sở vật chất còn chật hẹp. Giá trị tâm linh không thể quy đổi hay so sánh đơn thuần bằng hình thức, tuy nhiên với đền thờ Vua Hùng ở Tân Phú, đã đến lúc được xem xét để nâng cấp sao cho xứng tầm là di tích cấp tỉnh. |
Phạm Hải Nguyên