【7m chau a】Thu ngân sách Nhà nước 2015: Sóng cả không ngã tay chèo
Lạc quan trước thách thức
Tổng số thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng; nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu NSNN là 1.019.200 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 785.000 tỷ đồng, thu từ dầu thô 54.500 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động XNK 172.000 tỷ đồng, thu viện trợ 3.000 tỷ đồng. (Trích Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2016) |
Trong bối cảnh đó, dư luận nhiều lần dấy lên lo ngại về khả năng không hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN. Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí về tình hình ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn từng nhiều lần lạc quan khẳng định, năm 2015, với tổng thu ngân sách phấn đấu khoảng 950 nghìn tỷ đồng thì số thu từ dầu thô chỉ chiếm khoảng 6%. Nếu đem so sánh, con số này còn thấp hơn số nợ đọng thuế (76 nghìn tỷ đồng). Do đó, số thu từ dầu thô không phải là nguồn thu có tỷ trọng quan trọng, quyết định đối với NSNN.
Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc giá dầu thế giới giảm có thể gây tác động trực tiếp đến nguồn thu từ dầu, mặt khác, điều này cũng có những ảnh hưởng tích cực. Nước ta vừa XK vừa NK dầu mỏ nhưng kim ngạch NK lại nhiều hơn. Khi giá dầu thế giới giảm, giá dầu trong nước giảm, từ đó làm giảm giá đầu vào của các ngành sản xuất, dịch vụ. Điều này thúc đẩy sản xuất, góp phần làm tăng GDP, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn và giúp thu ngân sách cao hơn. Với nguyên do đó, từ giữa năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã khẳng định: Năm 2015, tuy thu ngân sách khó khăn, giá dầu giảm sâu nhưng tổng số thu vẫn có thể vượt dự toán Quốc hội đã thông qua.
Ở một khía cạnh khác, thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 8 Hiệp định đang trong quá trình thực thi. Những Hiệp định này đem lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, song lại trở thành thách thức lớn khi từ năm 2015, phần lớn các FTA bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu, đặc biệt là Hiệp định ATIGA, ASEAN - Trung Quốc và ASEAN - Hàn Quốc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến số thu từ XNK của nước ta. Song, khi đánh giá tác động cụ thể, ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính khẳng định “sự tác động đến ngân sách là không nhiều”. Ông Tùng cho biết thêm, sự tác động của giảm thuế theo FTA trên thực tế rất đa dạng, nhiều chiều. Việc giảm thuế có thể làm giảm thu ngân sách từ XNK nhưng các sắc thuế khác vẫn giữ nguyên; đồng thời giảm thuế lại khiến gia tăng lượng hàng NK, qua đó tác động tăng thu. Hơn thế nữa, việc giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các DN, qua đó thúc đẩy sự phát triển của hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng là góp phần gia tăng nguồn thu.
Phát huy nội lực
Tuy những thách thức nói trên được Bộ Tài chính nhìn nhận một cách lạc quan, song để vượt qua vẫn cần có sự nỗ lực tổng thể của toàn ngành Tài chính. Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp uỷ và chính quyền địa phương, động viên và tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng DN và nhân dân để làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN.
Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, từ đó hỗ trợ tăng thu NSNN. Bên cạnh việc tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các Luật thuế mới ban hành như Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các Luật về thuế, các đơn vị đã tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về tài chính, thuế phù hợp với tình hình thực tế và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế. Có thể kể đến việc hoàn thiện quy định về thuế, phí, lệ phí; thực hiện giảm nghĩa vụ nộp thuế đối với DN và cá nhân sớm hơn lộ trình. Nhờ vậy, đã giảm thêm được trên 50 giờ nộp thuế (năm 2014 đã giảm được 370 giờ), vượt mục tiêu mà Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã đặt ra.
Trong lĩnh vực Hải quan, 100% Cục và Chi cục Hải quan địa phương đã triển khai thực hiện Hệ thống thông quan điện tử đối với hàng hóa XNK (VNACCS/VCIS); tiếp nhận thông tin điện tử về thu NSNN trực tuyến từ các ngân hàng thương mại. Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) đã chính thức thực hiện từ tháng 9-2015. NSW đã giúp cho việc làm thủ tục tại cảng biển, thủ tục đăng kiểm phương tiện giao thông rút ngắn được 4/5 thời gian. Đối với thủ tục hành chính của các bộ, ngành, khi triển khai thực hiện theo NSW, rút ngắn được khoảng từ 15% - 30% thời gian.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Thuế, Hải quan việc thực hiện các giải pháp về tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các DN có rủi ro cao về thuế, DN có giao dịch liên kết, kinh doanh thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng thương hiệu; tăng cường các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại... Tính đến tháng 11-2015, cơ quan Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành quy định của pháp luật về thuế của gần 60 nghìn DN; số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra gần 10 nghìn tỷ đồng, đã nộp NSNN khoảng 7 nghìn tỷ đồng; đồng thời, đã thu được trên 34 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Cơ quan Hải quan đã thực hiện khoảng 2,5 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan; xử lý truy thu vào NSNN 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Với những nỗ lực trên, sau 11 tháng điều hành, ngân sách tuy có hụt ở các khoản thu từ dầu nhưng các khu vực khác lại đạt và vượt mức đề ra với tổng thu ngân sách bằng 94,4% dự toán. Ước tính, hết năm 2015, tổng thu NSNN vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, tăng 1,8% so dự toán; trong đó thu nội địa ước vượt dự toán 48.400 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động XNK ước đạt 100% dự toán và hoàn đủ số thuế GTGT trong năm 2015.
Có thể nói, với nỗ lực cao, ngành Tài chính đã vượt qua một năm đầy biến động, hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN được Quốc hội, Chính phủ giao.