Trước diễn biến phức tạp của thiên tai,ựchiệnnhiệmvụkinhtếbong da c1 kinh tế thị trường, công tác xây dựng cơ bản, tình hình an ninh trật tự,... đã và đang diễn ra nên nhiều ngành chức năng cho rằng, đây thật sự là những thách thức không nhỏ trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm.
Công tác xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đang rất chậm nên cần quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Trước dự báo của ngành chức năng là tình hình mưa bão, lũ năm nay diễn biến phức tạp, trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện lũ sớm. Chính điều này đã tạo sự lo lắng cho người dân trong quá trình sản xuất, nhất là những hộ canh tác lúa Thu đông, nhưng trước tiên là nông dân tại tỉnh Hậu Giang lo lắng về sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào có ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh trong lúc này. Ông Nguyễn Văn Em, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Qua theo dõi phương tiện thông tin đại chúng, thời gian gần đây tôi được biết, hiện ở Lào bị vỡ đập nhưng không biết có ảnh hưởng đến tỉnh mình không. Bởi những ngày qua, do mưa lớn kéo dài và mực nước dưới kênh cũng dâng cao nên tôi và bà con lo lắng cho vụ lúa Thu đông đã xuống giống hơn một tháng”.
Để người trồng lúa trên địa bàn tỉnh an tâm sản xuất, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin: Việc vỡ đập ở Lào thời gian qua đã phần nào ảnh hưởng đến nước ta nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Tuy nhiên, ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thì chỉ một số tỉnh đầu nguồn, như: An Giang, Đồng Tháp hay Long An bị ảnh hưởng nhưng cũng chỉ một phần ở những vùng giáp biên với nước bạn do không có đê bao; trong đó điển hình là một số vùng ở Tân Châu, An Giang mực nước lên 3m. Riêng địa bàn tỉnh Hậu Giang, do mưa dầm trong những ngày gần đây làm cho triều cường dâng cao từ 3-5cm và sau đó mực nước xuống trở lại. Do đó, nhận định chung đến thời điểm này là sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào không ảnh hưởng lớn đến địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Đồng, vấn đề lo lắng trong chủ động phòng, chống thiên tai hiện nay của tỉnh chưa phải lũ mà là tình hình sạt lở bờ sông và giông, lốc đang diễn biến phức tạp. Trong đó đáng quan ngại nhất là sạt lở bờ sông tiếp tục diễn ra nghiêm trọng tại một số địa phương đầu nguồn, như: huyện Châu Thành, Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp. Dù tình hình sạt lở đang diễn ra gay gắt nhưng một bộ phận người dân còn chủ quan không chịu di dời về nơi ở an toàn, đồng thời còn có sự chủ quan của chính quyền địa phương trong công tác khắc phục và giải pháp ứng phó. Bởi qua kiểm tra thực tế thì phát hiện có nhiều điểm được khoanh vùng có nguy cơ sạt lở cao nhưng không thấy cắm bảng cảnh báo nên người dân không biết.
Giông lốc, sạt lở bờ sông đã và sẽ tiếp tuc đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương trong tỉnh.
Ngoài việc đang đối mặt với không ít tổn thất do thiên tai thì theo ngành nông nghiệp tỉnh, một vấn đề thách thức khác không kém phần quan trọng và có thể ảnh hưởng chung đến tốc độ tăng trưởng GRDP của khu vực I trong lĩnh vực nông nghiệp đến cuối năm là khả năng người trồng mía trên địa bàn tỉnh sẽ đối mặt với mùa “mía đắng” trong đợt thu hoạch sắp tới đây. Bởi, dù ngày vào vụ ép của niên vụ mía 2018-2019 gần cận kề nhưng qua thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường trong nước gần 700.000 tấn, chiếm gần 50% tổng sản lượng đường sản xuất, riêng các nhà máy đường trong tỉnh còn tồn kho hơn 30.000 tấn và đây là mức tồn kho kỷ lục từ trước đến nay. Chính việc đường tồn kho và khó tiêu thụ nên không chỉ có nông dân trồng mía mà cả nhà máy đường cũng tỏ ra không mấy lạc quan trước vụ ép mới.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin thêm: Trước tình hình trên, Sở đã có buổi làm việc riêng với lãnh đạo các nhà máy đường trong tỉnh để bàn và cũng đề ra nhiều giải pháp trước khi vụ ép mới bắt đầu, đặc biệt là giải pháp giúp tiêu thụ đường tồn kho. Mặt khác, Sở cũng đề nghị các địa phương có vùng mía nguyên liệu trong tỉnh tiếp tục vận động người dân bán mía chục để phần nào giảm bớt diện tích mía đã xuống giống (gần 10.800ha) và tạo nguồn thu nhập cao cho bà con. Năm nay, không cần đợi mía đạt độ chín theo quy định mới vào vụ ép mà khi nào nhà máy đường cảm thấy thích hợp thì vào vụ, trong đó khuyến khích vào vụ sớm ở những vùng trồng mía chín sớm ROC 16 và vùng không có đê bao ngăn lũ.
Cùng nỗi lo với lĩnh vực nông nghiệp thì tình hình xây dựng cơ bản trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp những khó khăn cần tháo gỡ. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng thực hiện xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 56% kế hoạch năm và công tác giải ngân chỉ ở mức 45%, nếu so với cùng kỳ thì đây là tỷ lệ đạt rất thấp. Nguyên nhân chậm chủ yếu là do ở Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông của tỉnh. Để sớm giải quyết các bất cập trên, Sở đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo nếu đến hết quý III năm nay, công trình nào không giải ngân đạt trên 70% thì xem xét điều chỉnh sang danh mục công trình khác.
Bên cạnh sự sốt ruột của ngành có liên quan trong xây dựng cơ bản, một vấn đề khác đang nổi lên và đặt ra sự quan tâm của dư luận là tình trạng bà con nông thôn vay vốn tín dụng đen của các đối tượng ngoài tỉnh gây nhiều bất cập. Qua rà soát nhanh của lãnh đạo Công an tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 28 xã, phường, thị trấn có người dân tham gia quỹ tín dụng đen và bước đầu xác định được 28 đối tượng đứng ra cho vay. Các đối tượng này lợi dụng sự khó khăn của người dân và thủ tục vay đơn giản nên bà con dễ xa lưới, từ đó dẫn đến nhiều vụ gây mất trật tự tại địa phương. Để không xảy ra tình trạng tương tự, ngành công an tỉnh đề nghị chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ mục đích, động cơ của các đối tượng cho vay tiền bằng hình thức này để người dân né tránh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu cho rằng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn nặng nề nên đề nghị cả hệ thống chính trị cần tập trung cao để thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, các địa phương chú trọng quan tâm công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cũng như chỉ đạo thu hoạch vụ lúa Hè thu và sản xuất vụ lúa Thu đông đạt thắng lợi; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản, nhất là công trình chống sạt lở bờ sông, trong đó thống nhất cao với đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển kinh phí thực hiện khi công trình nào không giải ngân đạt trên 70% đến hết quý III này. Đặc biệt, Công an tỉnh, các địa phương quan tâm thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng tín dụng đen xảy ra trong thời gian gần đây...
Theo cập nhật nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong tháng 7 vừa qua, toàn tỉnh xảy ra 5 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 78m, ước thiệt hại 763 triệu đồng; lũy kế từ đầu năm đến nay xảy ra 20 điểm sạt lở, với chiều dài 364m, ước thiệt hại 1,5 tỉ đồng. Về giông lốc trong tháng 7 đã làm sập 32 căn nhà, ước thiệt hại 955 triệu đồng; lũy kế từ đầu năm đến nay, giông lốc làm sập 45 căn, tốc mái 54 căn, ước thiệt hại 1,3 tỉ đồng. |
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC