游客发表
发帖时间:2025-01-10 00:29:29
Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến tham gia dự thảo Thông tư quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập lậu bị tịch thu bán đấu giá.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Phòng Pháp chế, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, tất cả các tang vật, phương tiện vi phạm bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tịch thu sẽ chuyển từ sở hữu tư nhân sang sở hữu Nhà nước.
Như vậy, những mặt hàng không được phép bán đấu giá thì chuyển các cơ quan chuyên dùng; di vật, cổ vật chuyển giao cho các tổ chức quản lý; tài sản bị chiếm đoạt thì trả lại người bị chiếm đoạt; hàng hóa không đảm bảo mục tiêu an toàn thực phẩm thì tiêu hủy. Những mặt hàng nằm ngoài đối tượng trên sẽ tiến hành bán đấu giá cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.
Việc xử lý hàng hóa bị tịch thu kéo dài trong 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định tịch thu, trong khi phải giám định, kiểm định chất lượng, ghi nhãn… giống như thương nhân là không thể thực hiện được. Việc làm này chẳng khác nào cơ quan Nhà nước “tự lấy dây buộc mình”.
Ông Nguyễn Đăng Khoa phân tích, nhiều địa phương phản ánh, do lợi dụng bộ hồ sơ bán đấu giá, các đối tượng hợp thức hóa hàng nhập lậu để đưa ra thị trường tiêu thụ. Hiện cơ quan chức năng đang sử dụng chế độ hóa đơn, chứng từ để quản lý hàng NK lưu thông ngoài thị trường.
Cụ thể, Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA quy định, hàng hóa NK lưu thông trên thị trường phải xuất trình hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tuy nhiên trên thực tế, ngay cả hóa đơn, chứng từ cũng bị các đối tượng lợi dụng để gian lận thương mại thông qua hình thức làm giả hoặc quay vòng.
Trong trường hợp này sẽ không loại trừ đối tượng sử dụng bộ hóa đơn bán đấu giá, quay vòng hóa đơn để hợp thức hàng nhập lậu. Một số địa phương cũng đề xuất việc ghi nhãn trên hàng hóa bị tịch thu bán đấu giá để thuận lợi cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.
Tuy nhiên việc ghi nhãn hàng hóa thuộc trách nhiệm của thương nhân, chứ không phải của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc làm này thực chất là việc “đánh dấu” hàng lậu bị tịch thu bán đấu giá để phân biệt với hàng hóa lưu thông trên thị trường, giúp người tiêu dùng nhận biết hàng hóa được bán đấu giá, cũng như cơ quan quản lý dễ kiểm soát.
Tang vật 23,42 tấn gỗ hương nhập lậu do Hải quan Quảng Ninh bắt giữ trong đêm ngày 14 và rạng sáng 15-3-2014. Ảnh: Q.H. |
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Khoa, dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước thay vì ghi nhãn, hàng hóa Nhà nước bán đấu giá sẽ được đánh dấu bằng cách dán tem. Tuy nhiên không loại trừ đối tượng buôn lậu lại tiếp tục làm giả con tem này để buôn lậu. Bên cạnh đó, hàng hóa tịch thu bán đấu giá khi lưu thông trên thị trường phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời dán tem tránh tình trạng lợi dụng hợp thức hóa hàng nhập lậu, chi phí này trừ vào tiền bán tang vật.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đào Xuân Thành, Trưởng Phòng Xử lý thông tin nghiệp vụ Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, hàng lậu bị tịch thu trước khi bán đấu giá sẽ được ghi nhãn áp dụng theo quy định là điều rất khó thực hiện.
Cụ thể như trường hợp cơ quan Hải quan xử lý một lô hàng bị tịch thu bán đấu giá, trong khi trị giá hàng hóa bị tịch thu rất thấp, không đủ kinh phí cho việc thực hiện ghi nhãn. Hơn nữa, Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa thì có nhiều tiêu chí phải ghi nhãn theo tính chất hàng hóa áp dụng đối với từng mặt hàng. Ví dụ như mặt hàng thực phẩm phải ghi các nội dung theo tính chất hàng hóa (định lượng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; thành phần hoặc thành phần định lượng; thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn…).
Trong khi đó, hàng hóa nhập lậu bị bắt giữ, tịch thu thường khai sai hoặc không được khai báo hải quan. Theo đó, cơ quan Nhà nước khi ra quyết định tịch thu hàng hóa không thể có đầy đủ thông tin để xác định tính chất, tiêu chí ghi nhãn như quy định trên. Do vậy nhãn hàng hóa đối với hàng nhập lậu bị tịch thu bán đấu giá phải bổ sung kết quả giám định hàng hóa (chất lượng hàng hóa, thời hạn sử dụng…).
Ông Đào Xuân Thành cho biết thêm, vấn đề đặt ra là làm thế nào vừa tiết kiệm chi phí, vừa phải tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện. Vì vậy, sẽ phù hợp hơn khi thực hiện dán tem trên từng sản phẩm: “Hàng tịch thu bán đấu giá” để phân biệt với hàng hóa của các DN sản xuất, tránh các đối tượng lợi dụng để gian lận thương mại.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện các cơ quan liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ) đều thống nhất loại bỏ việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa mà sẽ thực hiện dán tem đánh dấu “Hàng tịch thu bán đấu giá”. Đồng thời, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接