Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đây là dự án luật có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng; do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng. So với dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), có 40 điều sửa đổi nội dung; 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản; bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 33 điều. Nhiều nội dung tại dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cụ thể, về hợp đồng bảo hiểm, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung như: bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm… nhằm bảo đảm phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự và tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, dự thảo luật đã chỉnh sửa theo hướng giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành). Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đồng thời khi doanh nghiệp bảo hiểm mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính. Về hoạt động môi giới, đại lý bảo hiểm, để hạn chế tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay hay đánh tráo khái niệm “gửi tiết kiệm” và “tham gia bảo hiểm”, dự thảo luật đã có quy định điều cấm về "Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm", quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm. Trên cơ sở quy định của dự thảo luật, các văn bản hướng dẫn như nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài trong trường hợp đại lý vi phạm các quy định tại luật, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm. Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.
Về vấn đề này, có 2 phương án. Phương án thứ nhất: bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ. Tuy nhiên, sau gần 12 năm trích nộp, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Phương án thứ hai: giữ nguyên quy định cũ về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết. “Đây là phương án Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Chính phủ cho rằng trường hợp dừng trích lập quỹ, khi phát sinh doanh nghiệp bảo hiểm lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán vẫn cần có công cụ để bảo đảm quyền lợi cho người được bảo hiểm”, ông Vũ Hồng Thanh nói. Mặc dù dự thảo luật đã chuyển đổi sang phương thức can thiệp sớm, quản lý trên cơ sở rủi ro với 3 bước phòng vệ, tuy nhiên vẫn không thể bảo đảm chắc chắn phòng ngừa 100% rủi ro, đặc biệt đối với các rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Do đó, việc duy trì quỹ là cần thiết. |