Những ngày này, dường như trái tim mọi người dân cùng chung nhịp đập hồi hộp, lo âu, dõi theo thông tin về số ca bệnh lây nhiễm đang ngày một gia tăng. Mỗi ngày, Chính phủ đều họp chỉ đạo từng đường đi, nước bước để xoay vần chống dịch, giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
Dịch căng, cần thêm vũ khí
Sau hơn 1 tháng sóng covid thứ tư ập vào cuồn cuộn, chiến lược chống dịch đã được bổ sung, ngoài 5k còn là vaccine, là công nghệ. Ngày 29/5, trong cuộc làm việc tại tâm dịch Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị ngoài việc thực hiện 5K trong phòng, chống dịch cần bổ sung thêm vaccine và công nghệ.
Dù rất khó để tiếp cận nhanh và đầy đủ vaccine cho toàn dân, khi hiện nay thế giới đang trong “cuộc chiến vaccine” với những tranh giành, kiện cáo, Chính phủ đã rất cố gắng tiếp cận bằng nhiều cách và hiện đã có 2,9 triệu liều vaccine về Việt Nam, và đã thực hiện tiêm chủng được cho hơn 1 triệu người dân.
Công nghệ được bổ sung vào nhóm “vũ khí hữu hiệu”, để đẩy nhanh tốc độ trong tất cả các khâu phòng chống dịch. Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ngay các biện pháp công nghệ để quản lý người lao động, nhất là công nhân; xây dựng cơ sở dữ liệu cho người được hỗ trợ qua số điện thoại, không phải phát tiền trực tiếp. Những biện pháp linh hoạt đã được triển khai trong tình thế cấp bách, để nhanh chóng có được hiệu quả cao.
Nhìn thẳng vào yếu kém
Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 29/5, tinh thần nhìn thẳng vào yếu kém và sự kiên quyết, mạnh mẽ trong chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện rất rõ.
Nói về nguyên nhân bùng phát đợt dịch thứ tư, Thủ tướng chỉ rõ, nguyên nhân chủ quan là chính. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch thì ung dung, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng khi có dịch thì lúng túng, bị động, hoang mang, lo sợ, không nắm chắc, đánh giá đúng tình hình để có các biện pháp phù hợp; một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Trong khi đó, biến chủng của virus đợt dịch này nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm và khó lường hơn.
Cũng trong cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng đánh giá lại công tác chỉ đạo, điều hành và đưa ra 5 bài học kinh nghiệm, từ việc phải kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra đôn đốc đúng hướng, quyết liệt và hiệu quả, đến việc tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, đúng quy định kết hợp với việc chủ động, vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện, tình hình cụ thể; huy động cả hệ thống chính trị, toàn xã hội vào cuộc để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đặc biệt, bài học thứ tư và thứ năm là những bài học vô cùng thấm thía và cũng đã áp dụng ngay trong đợt dịch này. Đó là, kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là những vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách; động viên, khích lệ và khen thưởng kịp thời; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đúng như vậy, các quy định, thủ tục, chế độ đang được rà soát, bổ sung để tạo điều kiện cho công tác chuẩn bị, cung cấp vật tư, nhân lực… phòng chống dịch được thông thoáng, kịp thời. Và trong những ngày vừa qua, mỗi sự việc xảy ra, tích cực hay tiêu cực, đều có những hình thức xử lý phù hợp và rất kịp thời. Làm tốt thì được khen, được tôn vinh, còn các đối tượng vi phạm về phòng chống dịch thì tùy mức độ đều bị phạt tiền hoặc khởi tố. Chưa bao giờ kể từ khi bắt đầu xuất hiện dịch covid-19, việc khen thưởng, xử phạt liên quan đến công tác phòng chống dịch lại được tiến hành khẩn trương đến thế.
Dứt khoát phải làm và phải làm bằng được Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “Ba không: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm…; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách”, nỗ lực cao nhất để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Với chỉ đạo này của Thủ tướng, không có chuyện thoái thác hay bàn lùi. Chỉ có tiến lên và bằng mọi cách tháo gỡ, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. |
Kim Thanh