游客发表
发帖时间:2025-01-12 08:47:45
Trị giá ước tính của số dược phẩm bị bắt giữ lên đến 40 triệu USD. Kết quả trên là hồi chuông cảnh báo mức độ gia tăng nhanh chóng của nạn buôn lậu dược phẩm thiết yếu trong khu vực cùng với những hậu quả khôn lường do việc sử dụng thuốc giả, kém chất lượng đối với sức khỏe và an toàn của người dân.
Chiến dịch có tên gọi VICE GRIPS 2 do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) phối hợp với Viện Nghiên cứu chống dược phẩm giả (IRACM) tiến hành. Hải quan của 16 quốc gia khu vực châu Phi tham gia chiến dịch bao gồm: Angola, Benin, Cameroon, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Congo, Côte d’Ivoire, Gabon, Ghana, Guinea, Kenya, Liberia, Mozambique, Nigeria, Senegal, Tanzania và Togo.
Phạm vi triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan Hải quan trải dài trên 16 cảng biển lớn của khu vực Đông và Tây Phi trong thời gian từ ngày 11 đến 20-7-2012. Một lực lượng lớn các nhân viên đã được huy động tham gia chiến dịch với sự hướng dẫn của chuyên gia WCO và phối hợp của lực lượng Cảnh sát của các quốc gia. Để chuẩn bị cho chiến dịch, WCO đã tiến hành đào tạo các nhân viên hải quan của 16 quốc gia với sự hỗ trợ của IRACM và các chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm về kỹ năng nhận biết các sản phẩm khác nhau bị làm giả và các phương pháp phát hiện.
Hơn 100 nghìn sản phẩm thuốc làm giả nhiều loại thuốc chữa bệnh thiết yếu đối với sức khỏe người dân. Các lực lượng kiểm soát Hải quan đã kiểm tra 110 container, trong đó đã phát hiện hàng hóa vi phạm trong 84 container tại Angola, Togo, Cameroon và Ghana. Phần lớn số hàng bị bắt giữ có hành trình xuất phát từ khu vực Trung Đông, Nam và Đông Á.
Tại cuộc họp báo công bố kết quả chiến dịch, Tổng Thư ký WCO, Ngài Kunio Mikuriya cho biết các bên liên quan sẽ tiếp tục các hoạt động phối hợp để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của người dân. Các chiến dịch có sự tham gia đông đảo và hiệu quả của lực lượng Hải quan như VICE GRIPS sẽ thúc đẩy các hoạt động chống nạn làm hàng giả trên toàn cầu, góp phần củng cố lòng tin của chủ quyền sở hữu trí tuệ cũng như các đối tác chiến lược khác. Thông qua các nỗ lực chung như chiến dịch này, cộng đồng Hải quan có thể xác định những thách thức cũng như các chiến lược cần có để ngăn chặn loại tội phạm này.
Trong chiến dịch này, các nhân viên Hải quan đã khai thác triệt để Giao diện Hải quan- Doanh nghiệp (IPM)- một công cụ của WCO để hỗ trợ hải quan các nước thành viên trong việc chống hàng giả, hàng nhái thông qua truy cập các thông tin quan trọng do chủ quyền sở hữu trí tuệ cung cấp.
IPM là một cơ sở dữ liệu về hàng thật/ hàng giả do các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cung cấp đồng thời là giao diện và danh bạ để Hải quan và doanh nghiệp có thể trao đổi với nhau nhằm mục đích hỗ trợ tìm kiếm thông tin, xác định tiêu chí rủi ro để kiểm soát các lô hàng có nghi ngờ là hàng giả, hàng nhái. Các yếu tố chủ yếu trong cơ sở dữ liệu được cung cấp trên IPM bao gồm: thương hiệu, hình thức bên ngoài của sản phẩm, cách thức đóng gói và tuyến đường vận chuyển của hàng thật.
Đây là những thông tin quan trọng giúp cơ quan Hải quan phân biệt được hàng thật/ hàng giả khi kiểm soát các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm. Với số lượng và trị giá hàng vi phạm bị bắt giữ lớn hơn so với chiến dịch trước, có thể khẳng định IPM đã phát huy giá trị và cho phép cơ quan Hải quan đưa ra quyết định quan trọng trong việc ngăn chặn các đường dây buôn lậu và sản xuất hàng giả mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại hợp pháp. Hải quan các quốc gia liên quan sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng để điều tra mở rộng về các đường dây buôn lậu có tổ chức trong khu vực.
VICE GRIPS được coi là một hình mẫu lý tưởng của hợp tác giữa các cơ quan Hải quan trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Hình mẫu này sẽ được xem xét mở rộng ra tại các Châu lục khác trong thời gian tới. Các chiến dịch như thế này nhằm nhiều mục tiêu: điều tra, phát hiện các dấu hiệu và thủ đoạn gian lận mới để đề ra các hình thức kiểm tra phù hợp; đào tạo các chuyên gia Hải quan về kỹ thuật xác định mục tiêu trọng điểm và phân tích rủi ro; khuyến khích các cơ quan Hải quan sử dụng hệ thống IPM, đặc biệt là trong những điều kiện tác nghiệp thực tế; xác định các loại sản phẩm bị làm giả và các rủi ro tiềm tàng; huy động các đối tác, chủ sở hữu trí tuệ hỗ trợ và hợp tác với cơ quan Hải quan trong việc chống lại các hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả./.
Ngọc Vân
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接