Sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016,ựcứngphxmnhậpmặbxh kazakhstan nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành và người dân thị xã Ngã Bảy đang khẩn trương bắt tay vào thực hiện là ứng phó với xâm nhập mặn, bởi chỉ cần một chút chủ quan thì vườn cây, ao cá của người dân sẽ bị đe dọa ngay...
Các nhà vườn đã chủ động nguồn nước tưới tiêu cho vườn cây của mình để chống chọi với tình trạng xâm nhập mặn hiện nay.
Về Ngã Bảy những ngày này, đâu đâu cũng nghe người dân nói về chuyện nước mặn đã xâm nhập vào địa phương mình. Xâm nhập mặn có thể coi là “chuyện lạ” với người dân Ngã Bảy, nhưng công tác ứng phó đã được bà con thực hiện kịp thời để hạn chế tối đa các thiệt hại.
Xâm nhập mặn chưa từng có
Đó là điều mà nhiều người dân ở thị xã Ngã Bảy phải thốt lên khi chứng kiến đợt xâm nhập mặn vừa qua. Có thời điểm trong dịp Tết Bính Thân 2016, người dân cảm thấy lạ khi sử dụng nước sinh hoạt có vị hơi mặn khác thường. Sau đó nghe thông tin từ ngành chức năng địa phương thì bà con mới biết nước mặn đã hiện diện trên quê hương mình.
Bà Dương Thị Nga, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, cảm thấy lo lắng cho diện tích khoảng 3.000m2 mặt nước nuôi cá tra của gia đình khi nước mặn xâm nhập. Càng lo lắng hơn khi 200.000 con cá tra mà gia đình bà đang nuôi đã sắp đến ngày thu hoạch. Bà Nga cho biết: “Trong mấy ngày tết, tôi thấy nước trên sông hơi trong và có vị hơi mặn khác thường nên gia đình tôi không dám lấy nước vào ao cá của mình. Đó là điều may mắn, bởi cá tra mà gặp nước mặn thì sẽ khó khỏe mạnh được”.
Vào ngày 7-2 (tức ngày 29 tết), độ mặn cao nhất đo được trên sông Cái Côn là 2,6%o. Độ mặn như vậy không phải là cao so với một số địa phương khác trong tỉnh, nhưng nó là điều chưa từng xảy ra trên địa bàn thị xã. Ông Lê Hùng Chiến, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, cho biết: “Những năm trước, nước mặn chỉ xâm nhập vào những khu vực giáp ranh với thị xã, chứ chưa lấn sâu vào địa bàn. Nhưng do tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, mực nước thượng nguồn xuống thấp, cùng với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh đã đưa nước mặn từ Biển Đông, Biển Tây lấn sâu vào nội đồng, trong đó có cả thị xã Ngã Bảy, vốn từ trước tới nay chưa từng bị nước mặn xâm nhập”.
Không lơ là, chủ quan
Trên địa bàn thị xã Ngã Bảy hiện có khoảng 3.800ha diện tích trồng cây ăn trái. Và đó là mối lo ngại lớn nhất đối với địa phương này khi nước mặn xâm nhập. Ông Lê Hùng Chiến giải thích: “Vườn cây ăn trái một khi gặp nước mặn sẽ ảnh hưởng ngay đến năng suất, sự sinh trưởng của cây. Không chỉ 1 năm mà sự ảnh hưởng sẽ kéo dài trong nhiều năm tiếp theo. Chưa hết, khi nước mặn đã thấm vào đất sẽ để lại hậu quả lâu dài đến việc trồng trọt của bà con sau này”.
Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế thị xã, tình trạng xâm nhập mặn chưa gây thiệt hại nhiều đối với sản xuất và đời sống của người dân cho đến thời điểm này. Đó là kết quả từ sự chủ động, tích cực triển khai các biện pháp ứng phó của các cấp, các ngành và người dân thị xã. Theo đó, ngành chức năng khi phát hiện mặn xâm nhập bất thường đã ra sức tuyên truyền để người dân có biện pháp phòng chống. Cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, cống đập và tích cực thực hiện các biện pháp trữ nước ngọt để phục vụ cho sản xuất và đời sống của bà con…
Sống chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp, nên hơn ai hết, người dân thị xã Ngã Bảy quyết tâm bảo vệ cho bằng được “chén cơm” của mình khi bị xâm nhập mặn đe dọa. Nhìn khu vườn trồng 300 gốc cây cam sành đang phát triển khỏe mạnh cũng đủ biết ông Nguyễn Hoàng Tấn, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành đã bảo vệ rất tốt vườn cây của mình trước tình trạng xâm nhập mặn. Khi nghe ngành chức năng địa phương thông báo nước mặn đã tràn về, gia đình ông quyết định đóng cống không cho nước từ ngoài sông vào. Thay vào đó ông dùng nước từ cây nước của gia đình để tưới cho cây. Chưa hết, với vai trò là Trưởng ấp Sơn Phú, ông còn tích cực tuyên truyền cho người dân trong ấp về tình trạng xâm nhập mặn để cùng nhau ứng phó. “Vườn cây ăn trái một khi bị nước mặn ảnh hưởng sẽ gây thiệt hại rất lớn, nên bản thân mỗi người dân cần có biện pháp để bảo vệ tài sản của mình”, ông Tấn chia sẻ.
Ngày 19-2, nồng độ mặn cao nhất đo được tại điểm giáp ranh giữa thị xã Ngã Bảy và huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) là 1,3%o. Như vậy, độ mặn hiện tại đã giảm so với thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh, tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn diễn biến gay gắt, đặc biệt là trong tháng 3, tháng 4 tới. Chính vì vậy, công tác phòng, chống xâm nhập mặn sẽ được ngành chức năng thị xã triển khai sâu rộng hơn nữa. Đặc biệt tới đây, thị xã sẽ được trang bị máy đo nồng độ mặn, nên việc kiểm tra, theo dõi nồng độ mặn ở các tuyến sông sẽ được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. “Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật thông tin về nồng độ mặn để người dân biết. Chúng tôi rất mong người dân cập nhật thường xuyên thông tin về diễn biến của xâm nhập mặn để có biện pháp ứng phó hiệu quả nhất”, ông Chiến cho biết.
Cũng theo ông Chiến, về lâu dài, Phòng Kinh tế sẽ tham mưu cho UBND thị xã tiến hành chuyển đổi một số diện tích trồng cây ăn trái ở những khu vực có khả năng trữ nước ngọt thấp sang trồng cây ngắn ngày như các loại rau màu. Bởi trồng rau màu thì thời gian lưu vụ ngắn, sử dụng ít nước tưới tiêu, nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi nước mặn xâm nhập.
Nhiều lão nông ở thị xã Ngã Bảy lo ngại, nếu năm nay nước mặn đã xâm nhập vào địa bàn thị xã rồi thì có khả năng năm sau sẽ lặp lại với mức độ cao hơn nữa. Vì thế mà ngành chức năng và người dân thị xã cần chuẩn bị mọi thứ để có thể “sống chung” với nó trong những năm tới.
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN