游客发表
发帖时间:2025-01-10 00:26:28
Chính sách tiền tệ hiện nay đang chịu nhiều gánh nặng, nhất là trong bối cảnh ngân sách khó khăn. Năm 2017, tiềm năng có, thị trường có nhưng đồng thời áp lực cũng tăng lên, nên ngành ngân hàng phải chú trọng nhiều hơn đến quản trị rủi ro. Ai cũng mong những kịch bản tốt xảy ra nên sự cẩn trọng và khả năng quản lý, điều hành phải được nâng cao. | ||
Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành:Chính sách tiền tệ 2017 sẽ phức tạp hơn |
Xin ông cho biết điểm nổi bật nhất của chính sách tiền tệ trong năm 2016?
Điểm nổi bật nhất của chính sách tiền tệ năm qua là chính sách tỷ giá. Chính sách này đã theo đúng cam kết của NHNN từ đầu năm, tỷ giá được điều hành theo phương thức mới, linh hoạt, điều chỉnh hàng ngày bám sát thị trường hơn, không duy trì tỷ giá một cách cứng nhắc như những năm trước đây. Nhờ đó tỷ giá không tạo ra những cú sốc đột ngột cho thị trường.
Còn lại các chính sách khác của NHNN vẫn chưa có nhiều sự khác biệt và nổi bật hẳn lên. Ví dụ như điểm đáng chú ý là việc NHNN thí điểm áp dụng tiêu chuẩn Basel II lên một số ngân hàng, nhằm tạo điều kiện chuẩn mực hơn trong việc quản lý dòng vốn và hệ thống tiền tệ. Việc thí điểm này được bắt đầu từ năm 2014, đáng lẽ đến năm 2016 phải có sự quyết liệt hành động, nhưng đến giờ vẫn chưa rõ kết quả của việc thực hiện, bởi nếu có kết quả thì đây cũng là một chính sách đáng chú ý của NHNN.
2016 là một năm có những biến động lớn, các chính sách tiền tệ của Việt Nam đã thích ứng như thế nào, thưa ông?
Trên thực tế, năm 2016 chủ yếu là biến động về chính trị như sự kiện Brexit hay bầu cử Tổng thống Mỹ, còn kinh tế không có cú sốc nào đáng nói, nền kinh tế các nước vẫn diễn ra đều đều. Tuy nhiên, những cú sốc về mặt chính trị cũng có ảnh hưởng phần nào đến chính sách tiền tệ, đặc biệt là thông qua tỷ giá do tâm lý nhà đầu tư lo ngại những biến động chính trị sẽ ảnh hưởng đến biến động kinh tế.
Nhưng với cơ chế tỷ giá linh hoạt, nếu như trước đây, tỷ giá chịu sự kìm nén bởi một mức cố định thì hiện nay, tỷ giá đã phản ánh được các tác động bên ngoài. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% là hoàn toàn nằm trong dự báo của giới chuyên gia, thị trường đã dựng sẵn “kịch bản” để chính sách tiền tệ kịp thời thích ứng trước đó, nên việc này ít có khả năng ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ trong nước.
Bên cạnh những mặt được, theo ông, đâu là những mặt hạn chế của chính sách tiền tệ?
Hạn chế lớn nhất của toàn ngành ngân hàng không chỉ là chính sách tiện tệ mà là việc xử lý nợ xấu gây ảnh hưởng không tốt đến lãi suất, dòng vốn. Đây là vấn đề mà NHNN xử lý chưa thành công trong nhiều năm qua, hiện lĩnh vực ngân hàng vẫn thiếu cơ chế về xử lý tài sản đảm bảo, hình thành thị trường mua bán… nên sau khi đạt được kết quả khá tích cực từ năm 2012, tình hình nợ xấu đến nay vẫn gần như “dậm chân tại chỗ”.
Bên cạnh đó, lãi suất hiện vẫn chưa được như kỳ vọng của giới chuyên gia và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng phải “hiểu” cho ngành ngân hàng khi lãi suất phải theo tín hiệu về lạm phát và kỳ vọng của thị trường. Bản thân người dân hiện nay vẫn chưa thực sự tin tưởng vào việc gửi tiền trong hệ thống ngân hàng nên vẫn còn tình trạng găm giữ, chuyển sang đầu tư vào ngoại tệ, bất động sản hay mua vàng… Do đó, lãi suất tiền gửi phải cao để thu hút khách hàng, mà lãi suất tiền gửi cao thì đương nhiên lãi suất cho vay cũng ở mức cao. Nên trong giai đoạn trước mắt, không thể bắt người dân gửi tiền lãi suất thấp để lãi suất cho vay thấp, mà phải có những cải cách mạnh mẽ về nền kinh tế, cải thiện nợ xấu, giảm lạm phát và tăng niềm tin người gửi tiền.
Biểu đồ tỷ giá ngân hàng từ cuối tháng 11 đến 15-12-2016. Nguồn: Eximbank. |
Theo ông, có phải chính sách tiền tệ đang phải chịu nhiều gánh nặng như tình trạng ngân sách “eo hẹp”, ngân hàng yếu kém…?
Theo tôi, gánh nặng của chính sách tiền tệ không thực sự đến từ các tác động bên ngoài mà là do nội tại chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Mặc dù phải công nhận rằng, tình hình ngân sách có phần nào ảnh hưởng đến hệ thống, bởi ngân sách hạn chế khiến trái phiếu Chính phủ đang hút tiền của các ngân hàng, khiến dòng vốn thay vì dành cho doanh nghiệp vay thì lại để mua trái phiếu, khiến lãi suất cao mà doanh nghiệp cũng khó tiếp cận vốn.
Nhưng vấn đề thực sự lại nằm ở bản thân hệ thống khi nợ xấu chưa được giải quyết thấu đáo, kỳ vọng bỏ trần lãi suất vẫn chưa được thực hiện, việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng” vẫn chưa hiệu quả. Đây là những vấn đề NHNN có thể giải quyết được nhưng cứ để mãi, tạo thành điểm nghẽn của hệ thống và chưa thấy dấu hiệu nào để giải quyết.
Trước những hạn chế còn tồn tại nêu trên, năm 2017 sắp tới, việc điều hành chính sách tiền tệ phải có những cải thiện như thế nào, thưa ông?
Điều đầu tiên là phải xây dựng được hệ thống ngân hàng “mạnh khỏe”, xây dựng được hệ thống chuẩn mực Basel II và phổ cập ra toàn hệ thống ngân hàng… Nếu làm được như vậy thì sẽ đóng góp rất nhiều cho việc giải quyết nợ xấu đạt kết quả tốt hơn. Nhờ đó, có thể 5 năm sau, mặt bằng lãi suất có thể thực sự giảm như kỳ vọng, giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn.
Về vấn đề tỷ giá, như tôi đã nói, đây là điểm tích cực nhất nên phải duy trì, đảm bảo dù có những biến động kinh tế nào cũng có thể giữ được sự ổn định. Với cách làm này, cũng sau khoảng 5 năm nữa, chúng ta sẽ quay lại đánh giá xem có nên tự do hóa tỷ giá không, hay cần những chính sách mạnh mẽ hơn nữa.
Nhưng trên hết, tôi cho rằng, NHNN cần có sự cải thiện mạnh mẽ trong cách thức điều hành, vì mặc dù đã nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng NHNN vẫn đang sử dụng “mệnh lệnh hành chính” để can thiệp. Cách điều hành này tốt hay xấu sẽ được phản ánh qua thị trường nên hiện chưa thể có những nhận định chính xác rằng NHNN nên hay không nên làm như vậy. Đây là câu chuyện dài cần có thời gian để đánh giá và rút kinh nghiệm, nhưng NHNN cũng nên tính đến những giải pháp xử lý căn cơ để kết quả thực sự hiệu quả hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 14-12-2016, tại phiên họp cuối cùng trong năm 2016, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên 0,75%. Nguyên nhân cơ bản của động thái này được Fed lập luận là kinh tế Mỹ liên tục tăng, và đây là lần tăng lãi suất thứ hai kể từ năm 2008, khi Fed bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ đặc biệt và hạ lãi suất xuống mức thấp nhất trong lịch sử nhằm ổn định tình hình kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong thông báo quyết định tăng lãi suất, Fed kỳ vọng, kinh tế sẽ tăng chậm và sẽ thận trọng trong việc tăng lãi suất, mặc dù phần lớn quan chức Fed kỳ vọng sẽ tiến hành 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017 nếu kinh tế tiếp tục tiến triển tốt. Các quan chức FOMC dự báo, Fed sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tăng lãi suất thận trọng, và lãi suất có thể chạm mức 2,1% vào cuối năm 2018, cao hơn dự báo đưa ra tại cuộc họp vào tháng 9 vừa qua là đạt 1,9%, nhưng thấp hơn nhiều so với mức lãi suất 3,3% khi đưa ra lộ trình tăng lãi suất vào cuối năm trước. Sau quyết định của Fed, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn ngắn tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua và thị trường chứng khoán ghi nhận mức giảm sâu nhất trong hai tháng qua, USD tăng giá so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới, đẩy giá dầu giảm trở lại, trong khi vàng lao dốc xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Trên thị trường chứng khoán Phố Walls, chỉ số USD trong rổ 6 đồng tiền chủ chốt tăng lên mức cao nhất trong gần 14 năm qua do kỳ vọng về lạm phát và lãi suất sẽ tăng cao. Nguồn: NHNN |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接