Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ tháng 10/2020 đến ngày 30/3/2021, cả nước đã xảy ra 602 ổ dịch viêm da nổi cục tại 582 xã thuộc 130 huyện của 23 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 12.731 con, con số gia súc tiêu hủy là 920 con. Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 497 ổ dịch tại 492 xã thuộc 103 huyện tại 22 tỉnh thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 11.290 con, số gia súc tiêu hủy là 716 con. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, để khẩn trương phòng chống bệnh viêm da nổi cục, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức nhập khẩu vaccine viêm da nổi cục. “Đến nay, có 2 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu khẩn cấp vaccine viêm da nổi cục. Cục Thú y đã tổng hợp, báo cáo và được Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu và thông quan 3 loại vaccine của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, số lượng là 4.120.000 liều, trong đó đã nhập khẩu 680.000 liều. Trong tháng 4/2021, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu trên 1 triệu liều”, ông Long nói. Lãnh đạo Cục Thú y chia sẻ thêm, các loại vaccine nêu trên chưa có tên trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam. Theo quy định của pháp luật về thú y, Bộ NN&PTNT đã cho phép nhập khẩu vaccine để phòng chống dịch khẩn cấp. Tuy vaccine đã được đăng ký, cấp phép lưu hành tại nước xuất khẩu và nhiều nước khác nhưng đây là vaccine lần đầu nhập khẩu, sử dụng tại Việt Nam nên việc kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng là cần thiết để bảo vệ an toàn cho đàn gia súc khi tiêm vaccine. “Chúng tôi lựa chọn 1 thôn/xóm chưa xảy ra dịch trong xã có dịch viêm da nổi cục để tiêm phòng đánh giá độ an toàn, bằng cách tiêm cho 5-10 con trâu, bò, sau đó theo dõi, quan sát trong vòng 24h. Nếu gia súc không có biểu hiện bất thường thì tiêm phòng mở rộng ra các hộ còn lại của thôn/xóm đó và tiếp tục theo dõi trong 1 tuần; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiêm phòng đồng loạt trên diện rộng", ông Long nói. Bước ba, tiêm phòng đồng loạt trên địa bàn các thôn/xóm khác của xã đang có dịch và các xã có nguy cơ cao do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định và đề xuất. Theo báo cáo bằng văn bản của các địa phương, trong quá trình tiêm phòng không xảy ra sự cố nghiêm trọng, hầu hết số gia súc được tiêm phòng đều khỏe mạnh, chỉ có một số trường hợp xuất hiện nốt sần (do đây là loại vaccine tiêm dưới da) nhưng đều hồi phục nhanh, không có trường hợp nào phát bệnh sau khi tiêm phòng vaccine.
|