Cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh
Hội đồng Quốc gia về An toàn, Vệ sinh lao động ngày 11/4 đã tổ chức Đối thoại định kỳ năm 2018 nhằm bàn thảo về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật.
Phát biểu tại buối đối thoại, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về An toàn, Vệ sinh lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, sau buổi đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã rà soát, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (các điều kiện về con người, cơ sở vật chất, hồ sơ thủ tục đều được rà soát cắt giảm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động).
Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã rà soát, cắt bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận hạng A ở cấp Trung ương, bộ, ngành chuyển về cấp địa phương. Rút ngắn thời gian thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động từ 30 ngày xuống còn 25 ngày đối với cấp mới, 20 ngày đối với cấp lại, gia hạn giấy chứng nhận kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động…
"Nhà tắm xây 3 năm không có lao động sử dụng"
Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 6.400 người chết do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, 680.000 người bị thương khi làm việc. Gánh nặng do thương tích, ốm đau, tử vong dẫn đến những thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế, đặt ra nhu cầu bức thiết về việc đầu tư thỏa đáng vào công tác an toàn vệ sinh lao động ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp doanh nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay, hơn 1 triệu lao động trẻ bước chân vào thị trường lao động mỗi năm; trong đó lao động ở độ tuổi 15-24 chiếm 15% tổng lực lượng lao động cả nước. Lao động trẻ có tỉ lệ tai nạn lao động cao hơn 40% so với nhóm lao động lớn tuổi hơn.
Kiến nghị về một số điều khoản cụ thể trong Luật An toàn, vệ sinh lao động, bà Đào Thị Thu Huyền, thành viên Ủy ban lao động, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đều thực hiện rất đúng và đầy đủ quy định về an toàn lao động, từ phòng ngừa đến khi xảy ra chúng tôi đều có Ủy ban lao động để giúp đỡ cho người lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư hầu hết là trong ngành công nghiệp nhẹ, rất ít công việc nặng nhọc độc hại dẫn đến tai nạn lao động bệnh, nghề nghiệp. Tuy nhiên có một số công việc trong hệ thống luật của Việt Nam đang quy định phạm trù rất chung chung.
“Ví dụ như về độ ồn, bụi, vô hình trung lại quy vào công việc nặng nhọc độc hại. Chúng tôi mong Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định rõ hơn mức giới hạn cho phép của mỗi ngành nghề, điều kiện đi kèm khi có trang thiết bị bảo hộ lao động. Về quy định khi điều trị bệnh thì thế nào là điều trị ổn định, chúng tôi mong có hướng dẫn của Bộ Y tế để doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã kiến nghị rất nhiều lần về việc xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh trong doanh nghiệp, các bộ, ngành cũng đã phải công nhận rằng đối với các ngành nghề liên quan đến văn phòng, công nghiệp nhẹ thì có những doanh nghiệp Nhật đã xây dựng nhà tắm 3 năm nay mà vẫn chưa có ai sử dụng. Về vấn đề này, chúng tôi kiến nghị cần quy định cụ thể một số ngành nghề không cần thiết phải xây nhà tắm để các doanh nghiệp không bị vướng trong quá trình thanh tra, tránh gây lãng phí cho doanh nghiệp”, bà Huyền cho biết thêm.
Tại buổi đối thoại, đại diện các bộ, ban, ngành đã giải đáp các thắc mắc, những đề xuất của đại diện các hiệp hội, đồng thời cũng tiếp thu, nghiên cứu và chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội cho rằng mục tiêu cải thiện an toàn vệ sinh lao động cho lao động chỉ có thể đạt được thông qua những nỗ lực tập thể từ nhiều phía, cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, người lao động, đặc biệt quan trọng là thanh niên và tổ chức của thanh niên.