当前位置:首页 > Ngoại Hạng Anh

【kqbđ laliga】Nhớ mãi những chuyến tàu

Báo Cà Mau(CMO) Năm 2003, cũng như bao lượt học trò lớp 12 ở trường huyện Thới Bình, nó được hướng nghiệp rồi quyết định đặt bút đăng ký thi vào đại học chuyên ngành Sư phạm Văn - Giáo dục công dân. Cô chủ nhiệm lớp dù hết lời khuyên răn nhưng nó cố chấp. Rồi cô buông lời rầy nó nửa trách, nửa thương: "Em học tốt lĩnh vực tự nhiên, sao lại đăng ký thi khối xã hội? Lỡ thi trượt lại uổng công, tốn phí, mất hết cả năm trời!".

Lời cô khuyên cũng là nỗi lòng của nó. Nó giỏi Vật lý, nó đam phê các phản ứng hoá học, nó thích toán giải tích, nó đê mê hình học... Cơ khí là niềm ước mơ từ nhỏ của nó. Nó từng muốn tự tay chế tạo và lắp ráp chiếc máy kéo nhẹ hều nhưng mạnh mẽ để kéo lúa trên cánh đồng khô ráp vào mùa tết. Nó muốn sáng chế máy cấy lúa giúp mẹ vào mùa nước ngập tháng Tám. Nó cũng không bỏ qua ước mơ mở cửa hiệu sửa máy nổ (vì quê nó nhà nào cũng có loại máy này để di chuyển, để bơm nước)..., nhưng học ngành ấy phải tốn nhiều chi phí và phải lên tận Sài Gòn.

Tiền là mấu chốt lớn nhất trong khởi đầu tương lai của nó. Hôm nó đem giấy báo đậu tốt nghiệp THPT về khoe, cha nó vui rớt nước mắt. Mẹ nó thì cứ lầm bầm: "Ông coi, giờ nó có mớ kiến thức rồi hông ấy ông xin cho nó về uỷ ban xã kiếm một việc làm vừa nhàn, vừa gần nhà. Rồi cưới vợ, nối nghiệp!".

Nghe vậy, nó bắt đầu thấy khó chịu. 10 ngày sau, nó lại xuống trường nhận giấy báo dự thi ở Đại học Cần Thơ đem về. Trời cũng nhá nhem tối. Cha nó mặc quần dài, áo thun ngồi dựa cột hàng ba đợi nó về. Nó chưa hiểu. Cha nói: "Đưa chiếc xe đạp của con cho cha mượn. Cha về nội". Nói vậy, rồi cha nó lên xe đạp vù ra khỏi sân, khuất dạng trong bầu trời sẫm tối.

Về nhà nội giờ này? Đâu phải ngày giỗ? Hay nội bệnh? Thoáng nghĩ rồi nó vô nhà sau dỡ chiếc lồng bàn của mâm cơm chiều. Nhà chỉ vắng mỗi cha mà im ắng hẳn. Mấy chế vô mùng thủ thỉ chuyện gì nó cũng không rõ lắm. Ngọn đèn dầu liu xiu in bóng mẹ nó trên vách nhà đang lắc võng, đưa ru thằng em út.

Rồi nó cũng chìm dần trong giấc ngủ. Nó ngủ ngon say vì sáng mai không còn dậy sớm đạp xe hơn 18 cây số đến trường như mọi khi.

Sáng sớm, cha nó về tới nhà. Mồ hôi ướt nhẹp cả ngực áo, lưng áo. Cha bước vô nhà nói gì đó thì thầm với mẹ. Rồi cả 2 người lại lấy chiếc xe đạp đèo nhau đi. Giao lại thằng em út cho nó trông. Mẹ nói, giữ em tí xíu mẹ về.

Thì ra, khi biết nó đậu tốt nghiệp nhưng nhà không tiền, cha nó đã sang nhà nội để hỏi vay tạm. Ông nội nghe mừng run tay. Vì đó là tin ông mong chờ mấy chục năm qua từ chính gánh cháu nội, ngoại. Ông nội dỡ viên gạch lát nền nhà, lấy một cái túi vải lên từ mặt đất. Ông đưa cho cha nó chiếc nhẫn 5 chỉ vàng 24K và nói: “Mày biểu nó thi đậu luôn đại học thì khỏi đem về trả nội”. Nghe nội nói vậy, cha nó mừng không kể xiết. Vậy là về đến nhà, cha chở mẹ đi chợ Huyện Sử bán chiếc nhẫn để có tiền cho nó đi thi đại học.

Đò dọc chạy tuyến Cà Mau- Đất Mũi đang dần tiến về chợ Đất Mũi. Ảnh: Duy Khôi

***

Giờ thì cô chủ nhiệm mới hiểu chuyện của nó. Với nó, chọn ngành sư phạm, khỏi phải đóng tiền học phí, phù hợp với gia cảnh nhà nghèo, anh em đông.

Cha nó hồi còn trai trẻ cũng mê học, ráng học đến lớp 7 rồi cũng phải nghỉ vì chiến tranh chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất. Vậy mà những năm 1972, ông vẫn theo dòng người trẻ ham học, yêu quê hương xuôi dòng Tam Giang tham gia học trường sư phạm của Khu Tây Nam Bộ, sau này gọi là Sư phạm T3.

Có lần, nó được cha chìa cho coi tờ giấy dầu mỏng dính ghi mấy hàng chữ viết tay điêu luyện, mờ mờ, vì ông đã cất giữ nó qua 20 năm thời chiến và cả 30 năm thời khởi nghiệp. Đó là tấm giấy khen của Trường Sư phạm T3 khen học trò sau khoá học. Tấm giấy cũng thay quyết định tốt nghiệp ngành sư phạm thời đó.

Lần đó, cha nó như cố truyền lửa cho thằng con trai vốn mê chơi đánh hưng, nhảy lò cò rồi thích rúc mình bên nách mẹ trên chiếc võng bố để nghe kể chuyện đời xưa. Rồi thì hay trốn học và không thích ra đồng.

Sau khi hoàn thành khoá học, cha nó về huyện Thới Bình công tác ngành giáo dục, rồi được cân nhắc làm lãnh đạo xã thời chiến. Sau năm 1975, ông tiếp tục công tác ở xã kinh qua nhiều vị trí quan trọng khác ở huyện. Đến năm 1990, vì gia cảnh quá khó khăn, ông xin nghỉ, về hợp sức cùng vợ cày cuốc mong các con có cơ hội đổi đời.

***

18 tuổi, nó học lớp 12 trường huyện nhưng chưa biết gì ngoài nơi cả nhà nó sống hằng mấy mươi năm trời ở xứ Tapasa. Con đường 18 cây số xuyên qua chợ Huyện Sử xuống kênh Hai Ngó rồi Thới Bình và những ngôi trường nó từng học tập.

Sợ ruộng, nó tuyên bố sẽ gắng học để "thoát kiếp nông dân". Nó sợ lắm những buổi mưa đầu mùa sấm chớp vang trời mà phải dầm mình nhổ cỏ, phát năn, để cấy lúa. Nó sợ hình ảnh cha nó cứ quơ từng nắm mạ mềm èo, ọt ẹt nhổ lên khỏi mặt nước ruộng rồi đập gốc mạ vào bàn chân, ống chân đánh văng từng thớ đất. Rồi thì kéo mạ ra cánh đồng hôm qua mới nhổ cỏ; Giâm mạ 2-3 đêm mới khòm lưng cấy từng bụi lúa. Thấy ruộng, nó lại nghĩ đến cả ngàn thứ công chuyện mà không thể làm theo cha. Nó lại mơ những giấc mơ công nghệ trên cánh đồng.

Hoàn cảnh khó, 3 người chế trước nó lần lượt nghỉ học để dồn hết niềm ước ao của gia đình cho nó theo con đường tri thức thay đổi kiếp nông dân.

"Con phải học hơn cha thì mới giỏi", cả nhà hay dỗ dụ nó. Có thêm động lực, kỳ thi cuối cấp nào nó cũng đậu. Rồi nó đậu đại học sư phạm. Đầu tháng 10 năm đó, cả xóm nhỏ đến nhà tiễn nó vào giảng đường đại học, làm nghề giáo giống cha nó thuở nào.

Vậy là nó đã xa nhà. Chuyến này đi xa thật vì đường lên trường nó càng mù tịt. Sau này nó mới phát hiện ra nó còn đỡ "lúa" hơn thằng bé trong một câu chuyện mà nó từng đọc: Đo khoảng cách từ Mũi đến Thủ đô ngay trên tờ bản đồ cũ mèm treo trên vách.

3 giờ chiều hôm đó, người hàng xóm cho mượn cặp chèo để cha nó chèo chiếc xuồng be mười xuống chợ Huyện Sử để nó đón đò lên Cần Thơ (vì đồ đạc mang theo lỉnh kỉnh, chở bằng xe đạp không hết). Đúng hơn, đó là một chuyến tàu lưu thông hàng hoá từ xứ sở Cà Mau lên miệt vườn Hậu Giang, Cần Thơ và ngược lại.

Vì chỗ thân quen, trong suốt hơn 20 chuyến đi về của 4 năm đại học, ông chủ tàu không lấy tiền đi tàu, chỉ lấy tiền cho thuê cái võng 5.000 đồng mỗi lượt để ngả lưng ngủ. Tàu chạy ven tuyến sông Chắc Băng, Tắc Cậu, Cái Lớn, Ba Đình, tàu lại xuyên kênh xáng Xà No đến Cái Răng rồi cập bến Ninh Kiều. Mỗi lần dừng ở chợ là nó bị lay dậy để phụ tiếp lên, xuống hàng cùng mấy ông anh bạn theo tàu làm công.

Chuyến ngược từ Sông Đốc lên Cần Thơ, nó lại vác từ tàu toàn những bao cá khô, mắm tôm, mắm cá đủ loại. Chuyến về thì phụ lên rau xanh, trái cây và hàng tá hàng hoá điện máy nặng trịch. Nhờ vậy mà qua thời sinh viên khoa Văn nó cuồn cuộn cơ bắp. Bạn bè cùng lớp "loại" nó ra khỏi danh sách "chuỵ" ở khoa.

Thi thoảng vài tháng, nó lại lấy sức thanh niên đổi một chuyến tàu hơn 12 tiếng đồng hồ từ trường về thăm quê và ngược lại. Cũng chuyến tàu Nghĩa Hiệp, năm 2007 nó đi chuyến vui nhất. Gọn nhất. Thoải mái nhất. Nó đi chuyến từ Cần Thơ về Huyện Sử trong niềm vui không tả nổi.

Nó cứ nằm trên võng ôm tép hồ sơ của trường đại học vừa trao hồi sáng. Đó là học bạ và bằng tốt nghiệp đại học - những thứ tài sản quý nhất đời nó.

Con tàu nó đã đi và về ngót 20 chuyến ấy nhưng sao lần này lại lâu về tới Huyện Sử quá! Nó cứ giật mình tỉnh giấc, ngóng đầu ra cửa sổ nhìn hai bên bờ để đoán tàu về tới khúc sông nào. Trăng le te xỏ những dòng sáng lạnh ngắt xuyên qua ngọn dừa, rồi lởn vởn in bóng dưới lòng sông, sà sà theo con tàu chở hàng như muốn chia vui cùng nó.

4 giờ sáng, tàu cập bến Huyện Sử. Nó nhảy phắt lên bờ trong niềm vui vỡ oà. Nó quên luôn nghĩa vụ giúp mấy anh xếp dỡ hàng lên bến chợ như mọi khi. Nếu không kiềm chế, nó đã hét toáng trong buổi nhóm chợ lúc hừng đông. Anh tài công lái chiếc tàu Nghĩa Hiệp bước ra khỏi buồng lái, nhảy theo lên bờ rồi bá vai tạm biệt nó!

Mặt trời ửng đỏ trên cánh đồng, nó vẫn thoăn thoắt những bước chân như chạy từ Huyện Sử về nhà để mọi người cùng vui đón.

Cuộc "thoát kiếp nông dân" đã khởi đầu trong nó từ những chuyến tàu. Rồi nó có việc làm tại một toà soạn báo. Nó đi và viết tất cả lĩnh vực của đời sống. Hồi nó có gia đình riêng, mẹ gọi về để “chia” cho nó mớ đất hương hoả, nó xin gởi lại vì không biết làm ruộng và cũng không đủ thời gian để làm. Ở tuổi 70, mẹ nó vẫn khề khà với bầy cháu nội: “Cha bây! Cái thằng hổng giống ai hết trọi! Hồi đó, lúc cúng thôi nôi, bà cố để nó xuống bàn rồi nó chụp ngay cục đất. Thây như voi mà sợ đủ thứ, hết sợ ruộng rồi sợ ma”.

Mười mấy năm trôi qua, công việc cứ bộn bề cuốn hút nó. Giữa phố thị trẻ, vậy mà cứ mỗi cuối tuần, nó lại phăng xe về quê cùng lỉnh kỉnh mớ hành trang của cả gia đình 4 nhân khẩu. Mấy hôm nắng đẹp, chiều ngả bóng nó lại lảng vảng đến bến cầu tàu vắng hoe ngay giữa chợ Huyện Sử, bên dòng Chắc Băng để ngắm chuyến tàu phình phình nhả khói chở nặng hàng hoá xứ Cà Mau hướng về miệt Hậu Giang, Cần Thơ.

Rồi những khi ngà ngà men say với mấy "chiến hữu" thời áo trắng, nó lại kể câu chuyện lênh đênh cùng con tàu hàng Nghĩa Hiệp đi tìm tri thức mà trong lòng còn mãi xốn xang./.

Phong Trúc​

分享到: