Đa dạng nhiều giải pháp hỗ trợ Với vai trò “gác cửa nền kinh tế”, những hoạt động hỗ trợ của Hải quan Việt Nam đã giúp doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu, tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa cũng liên tục được triển khai, lan tỏa tới từng cục, chi cục tại các địa phương. Ở cấp trung ương, Tổng cục Hải quan luôn nêu cao tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp với các hoạt động tư vấn, tham vấn để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp; tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm nhằm tháo gỡ khó khăn, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, các đơn vị cũng có nhiều hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn hiện nay và nắm bắt được cơ hội phục hồi.
Ở địa phương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Hoàng Quốc Quang cho biết, căn cứ vào thực tế địa bàn, năm qua, đơn vị đã nhân rộng mô hình, các kênh thông tin, thực thi các giải pháp để tăng cường trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ giải đáp vướng mắc, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Một trong những giải pháp tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp hiệu quả, đó là tại các dịp diễn ra hội nghị đối thoại hải quan - doanh nghiệp, Cục Hải quan Hà Nội đã tổng hợp câu hỏi, phản ánh, vướng mắc của doanh nghiệp, trả lời trực tiếp. Các vấn đề vướng mắc đã được giải đáp công khai đến cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và theo dõi. Tại Cục Hải quan Bắc Ninh, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng 8% và vươn lên đứng thứ 2 toàn quốc với hơn 7.000 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Đó là hiệu quả của việc thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp; chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ, quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức; thực hiện cơ chế một cửa liên thông và mô hình một cửa điện tử hiện đại, nhằm giảm tối đa các thủ tục, rút ngắn thời gian trong giải quyết công việc với doanh nghiệp. Phía Nam, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh triển khai kế hoạch “Cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hải quan là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển”. Trong đó chú trọng hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, không để các vướng mắc tồn đọng, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực quản lý Từ những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp cộng với sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, đến ngày 14/12/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 745,38 tỷ USD, tăng 15,35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 384,4 tỷ USD, tăng 14,46% và nhập khẩu đạt 360.98 tỷ USD, tăng 16,32%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tính đến hết ngày 14/12/2024 thặng dư 23,42 tỷ USD, thấp hơn 2,29 tỷ USD so với con số thặng dư 25,71 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023. Ước tính, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2024 đạt khoảng 782,33 tỷ USD, xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD. Năm 2025, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những biến động, khối lượng công việc ngày càng lớn. Hải quan Việt Nam tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong đó, chú trọng tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường hội nghị đối thoại để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ. Chia sẻ về một số giải pháp để triển khai nhiệm vụ năm 2025, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, Hải quan Việt Nam sẽ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành tốt công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Đồng thời, tập trung xây dựng, đảm bảo vận hành ổn định Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh thông suốt, đảm bảo các yêu cầu tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh.
|