Bão số 3 khiến ngành bảo hiểm phải chi trả khoản bồi thường lớn chưa từng có. Ảnh: Phan Hà |
Bão số 3 “thổi bay” lợi nhuận của một số doanh nghiệp
Ảnh hưởng từ “cuộc khủng hoảng niềm tin” trước đó khiến doanh thu lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tiếp tục suy giảm. Báo cáo số liệu từ cơ quan quản lý về bảo hiểm cho thấy, 6 tháng năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 11,23%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước giảm 9,8% so với cùng kỳ. Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng năm 2024 ước đạt khoảng 109 nghìn tỷ đồng, giảm 6,76% so với cùng kỳ năm trước.
Bão số 3 dẫn đầu về mức chi phí bồi thường bảo hiểmNếu so sánh với những cơn bão lớn khác đã gây ra tổn thất kinh tế nghiêm trọng trong hơn một thập kỷ qua, bão số 3 dẫn đầu về mức chi phí bồi thường mà ngành bảo hiểm phải gánh chịu. Bão số 3 cũng khiến ngành bảo hiểm phải chi trả khoản bồi thường lớn chưa từng có. Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam |
Chưa kịp lấy lại đà tăng trưởng, ngày 7/9, một cơn siêu bão (bão số 3) với cường độ mạnh nhất trong lịch sử đã đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng… và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc. gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều địa phương miền Bắc.
Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến cuối tháng 11/2024, tình hình thiệt hại, tạm ứng và bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp do bão số 3 và mưa lũ, cụ thể: về người là 158 vụ, số tiền bảo hiểm ước tính 25,6 tỷ đồng; về tài sản và các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác có 14.611 vụ, ước tính thiệt hại 11.461 tỷ đồng; số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường là 471 tỷ đồng.
Ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 đã tác động mạnh tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khi chi phí chi trả bồi thường quá lớn. Báo cáo số liệu từ các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng năm 2024 ước khoảng 16.698 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 28,6% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường do bão số 3).
Như vậy, con số ước tính phải chi trả bồi thường do bão số 3 gây ra gần bằng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 9 tháng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm, một số doanh nghiệp đã ghi nhận lỗ ngay ở quý III/2024.
Nỗ lực chi trả bồi thường nhanh chóng
Với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan quản lý và sự vào cuộc kịp thời, trách nhiệm, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương nơi bị tác động của bão số 3 và làm việc trực tiếp với khách hàng để ghi nhận, xác định mức độ thiệt hại, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ bồi thường. Đối với các trường hợp khẩn cấp, các doanh nghiệp bảo hiểm đã phối hợp triển khai các nghiệp vụ giám định, đánh giá và đưa ra các phương án tạm ứng bồi thường nhanh chóng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng sớm ổn định, quay lại sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, công ty ghi nhận hàng trăm vụ yêu cầu bồi thường liên quan đến bão số 3. Các yêu cầu bồi thường chủ yếu liên quan đến các loại hình tổn thất về bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản…, với tổng giá trị ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, ngay khi tiếp nhận thông tin của khách hàng, Bảo hiểm Bảo Việt đã triển khai nhanh quy trình bồi thường để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp bách của khách hàng.
Đại diện Bảo hiểm PVI cho biết, theo quy định thông thường các đơn bảo hiểm có hồ sơ sẽ được công ty giải quyết trong vòng 15 ngày, tuy nhiên đối với đa số các đơn tổn thất do bão số 3, quy trình giải quyết khiếu nại của Bảo hiểm PVI đã được điều chỉnh để hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Theo đó, Bảo hiểm PVI đã huy động toàn bộ đội giám định, cán bộ chuyên môn xử lý chỉ trong vòng 24 giờ để đưa ra phương án giải phóng hiện trường, tối giản quy trình nội bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất kinh doanh…
“Nhờ mua bảo hiểm 100% cho toàn bộ nhà xưởng, được bảo hiểm tạm ứng chi trả bồi thường nhanh chóng nên Nhà máy sản xuất giống và thức ăn chăn nuôi Japfa Comfee Việt Nam đã nhanh chóng khắc phục được thiệt hại. Đại diện nhà máy nhìn nhận, nếu không mua bảo hiểm thì với những thiệt hại quá lớn mà cơn bão gây ra, nhà máy khó có thể quay trở lại sản xuất ngay mà phải có thêm thời gian tìm nguồn lực tài chính hoặc có thể phải thu hẹp sản xuất kinh doanh...” - đại diện Bảo hiểm PVI cho biết thêm.
Theo đó, tính đến cuối tháng 11/2024, Bảo hiểm PVI đã tiến hành tạm ứng bồi thường cho rất nhiều khách hàng, với số tiền trên 63 tỷ đồng và công tác tạm ứng vẫn đang được tiếp tục.
Năm 2025, hứa hẹn khởi sắc
Đại diện Bảo hiểm PVI cho biết, doanh nghiệp đã ký kết các hợp đồng nguyên tắc với các công ty giám định độc lập có chất lượng cao nhất tại thị trường Việt Nam, đồng thời cũng hợp tác thường xuyên với các công ty quốc tế. Do vậy, trong bất kỳ loại hình tổn thất nào thì Bảo hiểm PVI đều có thể chủ động triển khai các phương án, phối hợp với các bên liên quan để xác định giá trị thiệt hại và chi trả bồi thường kịp thời.
Tổng giám đốc Bảo hiểm BIC Trần Hoài An chia sẻ, cơn bão số 3 mặc dù gây ra những hậu quả nặng nề nhưng cũng góp phần khẳng định vai trò của bảo hiểm trong việc hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp và cả cộng đồng trước những rủi ro thiên tai và các rủi ro khác trong cuộc sống. Với việc nhận thức của khách hàng về lợi ích của bảo hiểm ngày càng được nâng cao, ngành bảo hiểm có thể kỳ vọng vào những đột phá trong năm 2025.
Những nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc chi trả, tạm ứng bồi thường kịp thời, nhanh chóng đã giúp củng cố niềm tin của khách hàng và khẳng định vai trò quan trọng của bảo hiểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù còn nhiều thách thức phải vượt qua, tuy nhiên các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tin tưởng năm 2025 thị trường sớm lấy lại “phong độ” và tăng trưởng ổn định, bền vững.
NĂM 2024, QUYỀN LỢI BẢO HIỂM ĐƯỢC CHI TRẢ TĂNG 17,94% Báo cáo số liệu từ cơ quan quản lý về bảo hiểm cho thấy, năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 227.495 tỷ đồng, giảm 0,26% so với cùng kỳ. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 93.906 tỷ đồng, tăng 17,94% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 850.075 tỷ đồng, tăng 13,17% so với cùng kỳ năm trước. |