Sự năng động của chính quyền Nghị quyết số 10-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chương trình Hành động số 16-CTr/TU (ngày 8/7/2017), trong đó, đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thống nhất nhận thức về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tếtư nhân, phòng chống các biểu hiện suy thoái, lạc hậu trong nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân. Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân trong phát triển kính tế - xã hội. Thời gian qua, Quảng Ninh đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Trọng tâm là tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông, tổng thể từ hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp. Tỉnh khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân bằng việc tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, trực tiếp thông qua các hội nghị do tỉnh, các bộ, ngành Trung ương tổ chức để quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư - kinh doanh, định hướng thu hút đầu tư, các cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh. Tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể để giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị. Quảng Ninh hiện là địa phương duy nhất trong nước đưa mục tiêu “hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI” vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh. Những nỗ lực của Quảng Ninh trong xây dựng chính quyền “Liêm chính - Hành động - Phục vụ - Kiến tạo - Phát triển” đã được cộng đồng doanh nghiệp, người dân tin tưởng, đánh giá cao, được lựa chọn để trao gửi niềm tin và đồng hành cùng tỉnh phát triển. Thật vậy, 10 năm liên tiếp (2013-2022), Quảng Ninh trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; 6 năm liên tục (2017-2022) giữ vị trí quán quân Chỉ số PCI. Đây cũng là giai đoạn kinh tế tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 11,03%, Quảng Ninh duy trì năm thứ 9 liên tiếp (2015-2023) đạt mức tăng trưởng hai con số, gấp đôi bình quân chung cả nước, cao nhất Vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 toàn quốc. Chia sẻ về hành trình Quảng Ninh kiên định và quyết tâm kiến tạo những giá trị mới để khẳng định vị thế trong mắt cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng nhận định, không phải dễ để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm nhận và liên tục đánh giá Quảng Ninh là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế và năng lực cạnh tranh tốt nhất cả nước trong khoảng thời gian liên tục như vậy. Dấu ấn của doanh nghiệp Nhờ có cơ chế, chính sách phù hợp, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó, vốn xã hội hóa chiếm trên 75% từ khu vực doanh nghiệp tư nhân. Những công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn; các khu dịch vụ du lịch phức hợp, quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái đều mang dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tất cả đều đến từ những thương hiệu lớn của đất nước như Vingroup, Sun Group, BIM Group, Tuần Châu. Hàng loạt công trình hạ tầng đường không, đường thủy, đường bộ, như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Công viên Đại Dương, Vinpearl Đảo Rều, Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh... được đầu tư ở Quảng Ninh đã khẳng định năng lực và khả năng đóng góp của khối tư nhân trong lĩnh vực này, tạo sự kết nối và bàn đạp cho sự phát triển của kinh tế địa phương. Với những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, trong giai đoạn 2017-2023, toàn tỉnh có 10.555 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 1,7 lần mức trung bình giai đoạn 2011-2016. Qua đó, nâng tổng số doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh lên 16.718 doanh nghiệp và chi nhánh đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký đạt 341.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, tăng 50% so với năm 2015 (trước khi có Nghị quyết số 10-NQ/TU). |