Sầu riêng đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Giá sầu riêng bán tại vườn từ 60-70 ngàn đồng/kg; bán lẻ tại chợ từ 90-100 ngàn đồng/kg,ỳvọngmugraveasầuriecircngbộtỷ lệ bóng da cao hơn từ 10-15 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Sầu riêng được mùa, được giá đang khiến nhiều người trồng trong tỉnh phấn khởi với hy vọng mức giá cao sẽ giữ đến hết vụ thu hoạch.
Thành quả xứng đáng
Gia đình ông Lê Văn Duẩn có 1,5 ha sầu riêng, trong đó 50 cây đang cho thu hoạch năm thứ 5. Chất đất màu mỡ, gần nguồn nước và được chăm sóc theo quy trình hữu cơ nên vườn sầu riêng của gia đình ông mùa nào cũng trĩu trái. Ông Duẩn đang trồng 2 giống sầu riêng Thái và Ri 6 được người tiêu dùng ưa chuộng như cơm vàng, hạt lép, múi to, vị ngọt bùi và chín sớm hơn các loại sầu riêng khác gần 1 tháng.
“Sầu riêng bắt đầu ra hoa khoảng từ tháng 12 dương lịch, sau 5 tháng thì cho thu hoạch. Tuy nhiên, nếu để số lượng nhiều thì trái sẽ nhỏ, chất lượng giảm nên tôi thường để từ 80-100 trái/cây. Mỗi trái có trọng lượng trung bình từ 3,5-4kg sẽ dễ tiêu thụ. 50 cây sầu riêng, bình quân mỗi vụ tôi thu trên 5 tấn trái. Với giá bán thương lái cắt tại vườn năm trước là 45 ngàn đồng/kg, tôi lãi 180 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Mức giá tăng như năm nay, dự kiến đến hết vụ, gia đình tôi sẽ có lãi khoảng 250 triệu đồng” - ông Duẩn phấn khởi.
Nhu cầu mua cây giống sầu riêng tăng cao nên mới đầu vụ ông Nguyễn Văn Thuận, trại giống vườn ươm công nghệ cao tại ấp Thuận Hải, xã Thuận Phú (Đồng Phú) bán ra thị trường với số lượng cây giống gấp đôi năm trước
Bình Phước hiện có 10.171 ha cây ăn trái, chiếm 2,39% diện tích cây trồng của toàn tỉnh. Trong đó cam, quýt gần 2.000 ha, nhãn hơn 1.300 ha, sầu riêng hơn 1.600 ha, bưởi hơn 1.000 ha... Sầu riêng là loại trái cây rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, nhưng ngày càng đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Hiện ngành nông nghiệp đã khuyến khích nông dân trồng sầu riêng theo hướng công nghệ cao, VietGAP, tạo thương hiệu gắn với vùng chuyên canh và quy trình sản xuất, sản lượng và chất lượng ổn định. |
Sinh ra ở xứ sầu riêng Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, rất am hiểu về kỹ thuật chăm sóc các loại cây ăn trái nên khi đến vùng đất Tân Hưng lập nghiệp, ông Phan Văn Dước, ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú quyết định đầu tư trồng sầu riêng. Vì theo ông, khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với loại cây trồng này.
Hơn 20 năm trồng sầu riêng, dù giá thị trường có xuống thấp thì chưa năm nào ông Dước bị lỗ. Ông Dước chia sẻ: “Gia đình tôi trồng sầu riêng từ năm 1997, khi đó thị trường sầu riêng chưa rộng mở như bây giờ. Trái chín thường chỉ đủ phục vụ khách hàng “sành ăn” ở Sài Gòn, thu nhập mỗi vụ cũng được vài chục triệu đồng. Sau này mở rộng diện tích lên 3 ha, dù giá sầu riêng lên, xuống thất thường thì gia đình vẫn có lời”. Bình quân mỗi vụ ông Dước thu hoạch trên 30 tấn trái/ha, thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Thị trường rộng mở
Anh Vũ Tiến Cương, tổ 10, ấp 5, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh có 1 ha trồng các loại cây ăn trái, trong đó sầu riêng là cây chủ lực. Dù trái cây của gia đình anh Cương chưa được dán nhãn VietGAP nhưng đã tạo dựng được thương hiệu “sạch” trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Sầu riêng đến vụ thu hoạch được thương lái đến cắt và vận chuyển đi thị trường Hà Nội tiêu thụ với giá cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Gia đình ông Lê Văn Duẩn (bìa trái), ấp 8, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú đang mở rộng diện tích lên 1,5 ha sầu riêng các loại
Vườn cây ăn trái tổng hợp của gia đình anh Cương đang cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng mỗi năm. Từng trồng và gắn bó với nhiều loại cây nhưng anh Cương khẳng định không có cây trồng nào cho thu nhập cao như sầu riêng. Tuy nhiên, để sầu riêng cho năng suất cao thì bên cạnh chi phí đầu tư lớn phải nắm vững kỹ thuật, am hiểu đặc tính của loại cây này để tùy từng giai đoạn phát triển của cây mà có chế độ chăm sóc khác nhau. Anh còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước, vừa khống chế nước để xử lý vườn cây ra bông, trái đồng loạt hoặc trái vụ. Anh Cương đang có kế hoạch chuyển đổi thêm 2 ha trồng điều, cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái như sầu riêng, bưởi da xanh, bơ... khi thị trường các loại trái cây này đang rộng mở.
Hiện giá sầu riêng bán lẻ tại các chợ, siêu thị dao động từ 90-100 ngàn đồng/kg, cao hơn 10-15 ngàn đồng/kg so với những năm trước nhưng cung vẫn không đủ cầu. Nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng là do vào thời điểm đầu vụ, khan hàng; năm nay sầu riêng cho thu hoạch trễ hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 1 tháng. Mặt khác, do các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng xâm nhập mặn khiến nguồn cung trái cây bị thiếu hụt. Hiện thị trường chính là Trung Quốc đang phục hồi sau ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ rau, quả gia tăng khi hệ thống siêu thị, các nhà hàng mở cửa trở lại. Do đó, dự báo xuất khẩu trái cây sẽ sôi động trong những tháng tới.