Là thị trấn trung tâm của huyện Châu Thành A,ựngmhnhtốbd kq ita Một Ngàn đang nỗ lực để thay đổi diện mạo, bộ mặt đô thị. Với diện tích đất nông nghiệp còn khá nhiều, thị trấn còn tập trung xây dựng mô hình hiệu quả, được xem là động lực phát triển bền vững trong tương lai...
Mô hình trồng nhãn Ido được đánh giá có triển vọng phát triển tại Một Ngàn.
Mồ hôi nhễ nhại sau khi xịt thuốc hết mấy trăm gốc nhãn, sầu riêng, hạnh… phía ngoài vườn, dù khá mệt nhưng ông Nguyễn Văn Thương, ở ấp Nhơn Xuân, vẫn hồ hởi chia sẻ: “Nhìn vườn nhãn đang phát triển thấy mừng, làm vườn chăm chút cực nhọc, nhưng đến lúc cho trái ham lắm. Nhãn Ido đang là mô hình được nhiều hộ dân ở ấp trồng, có thể gọi là mô hình mới ở ấp Nhơn Xuân này”.
Ông Thương là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nhãn Ido ấp Nhơn Xuân. Hiện thời trên 8 công đất nhà, ông trồng 250 gốc nhãn, xen với sầu riêng, hạnh, măng cụt. Vườn nhãn mới trồng gần nhà hiện phát triển tốt, còn mấy trăm gốc trồng trước đó đang được ông xử lý, chuẩn bị cho trái chiếng. Gần cả đời người gắn bó với ruộng vườn, ông Thương cho biết, trước đây ông làm ăn xuống dốc vì trồng vườn và vươn lên khá giả cũng nhờ vườn. Mấy chục năm qua, ông trồng không biết bao nhiêu loại cây ăn trái, hết xoài, tới bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, chanh không hạt, nhãn da bò… Nhưng thời đó, tự ai nấy làm, hộ nào thích trồng gì trồng đó, không như bây giờ…
“Như bây giờ” theo ý ông Thương là liên kết thành lập tổ hợp tác một cách bài bản, định hướng trong tương lai sẽ nâng lên hợp tác xã. Tổ hợp tác có 16 thành viên, với khoảng 14ha trồng nhãn Ido. Nói về việc vận động người dân tham gia tổ hợp tác, ông Nguyễn Hoàng Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Một Ngàn, bày tỏ: “Ban đầu có 4-5 hộ tham gia thôi, vận động không phải dễ, bà con thích làm một mình cho tiện, khỏi họp hội nhiều tốn thời gian. Nhưng chúng tôi có nói với bà con, nếu đi nhanh đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa bắt buộc phải đi cùng nhau, có vậy làm gì cũng lâu dài, bền vững. Thế là số lượng người dân tham gia nhiều lên. Hiện thời, có thêm 4 lá đơn tự nguyện xin gia nhập tổ hợp tác được gửi cho chúng tôi rồi”.
Diện tích trồng nhãn Ido của ấp Nhơn Xuân ngày càng mở rộng. Với giá dao động 15.000-17.000 đồng/kg do thương lái đến tận nhà mua như hiện nay, người dân đã có lời. Ông Nguyễn Phước Thọ, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Nhơn Xuân, cho biết: “Thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 50% diện tích đất ở ấp này trồng nhãn Ido. Bản thân tôi trồng 700 gốc, trong đó có 200 gốc đầu năm 2020 sẽ cho trái rộ, hiện đã cho trái chiếng đợt đầu. Đất ấp Nhơn Xuân trước đây đa phần là ruộng. Sau đó, năng suất không cao người dân lên vườn. Thấy làm vườn mang lại hiệu quả, nên mọi người chuyển đổi dần dần. Giờ đây, thành lập được tổ hợp tác ai cũng tin tưởng sẽ sản xuất ngon lành, tìm đầu ra dễ hơn, thị trấn quản lý tốt hơn”.
Một Ngàn cùng với Bảy Ngàn, Tân Hòa… từng được xem như “thủ phủ” xoài ở huyện Châu Thành A. Diện tích xoài đất này vẫn còn khá nhiều, nhưng định hướng lâu dài, người dân đã có sự chuyển đổi cho phù hợp với thị trường, cũng như khí hậu, thổ nhưỡng. Ông Đỗ Hữu Đức, cán bộ trồng trọt, bảo vệ thực vật, kỹ thuật thị trấn Một Ngàn, chia sẻ, bên cạnh xây dựng được Tổ hợp tác trồng nhãn Ido, tại ấp Tân Lợi đã xúc tiến xây dựng Tổ hợp tác trồng chanh không hạt, diện tích chanh không hạt của ấp đã 12ha. Xoài dù giữ được giá, nhưng thời tiết cực đoan, khó đoán, nên năng suất không được như trước. Trước vấn đề này, chuyển đổi cây trồng sao cho phù hợp được thị trấn tham khảo ý kiến từ huyện, các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ để tìm hướng đi phù hợp cho các nhà vườn ở thị trấn.
Xây dựng mô hình hiệu quả, phù hợp tại các ấp đang được thị trấn quan tâm đẩy mạnh. Vì còn 350ha đất nông nghiệp, nên lãnh đạo thị trấn không chỉ định hướng, thị trấn còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay, phát triển diện tích vườn hiệu quả và đặc biệt là các cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật, để người dân an tâm hơn trong sản xuất. Song song với xây dựng mô hình nông nghiệp, các mô hình an sinh xã hội, văn minh đô thị được chú trọng. Hộ nghèo của thị trấn còn 2,38% (giảm gần 5% so với đầu năm 2019), cận nghèo là 2,73% (giảm hơn 1,6% so với đầu năm). Kết quả này có được là nhờ thực hiện những mô hình tốt, mang lại hiệu quả như kể trên để giúp người dân thoát nghèo.
Ông Nguyễn Thanh Son, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Một Ngàn, nhấn mạnh: “Là thị trấn trung tâm của huyện, nên bộ mặt khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp… được lãnh đạo huyện chỉ đạo thị trấn phải thực hiện tốt. Thời gian qua, thị trấn đã rất nỗ lực tạo diện mạo chỉn chu ở khu vực chợ và các tuyến đường chính sao cho khang trang, sạch đẹp. Để làm tốt điều này, việc tuyên truyền, vận động người dân được quan tâm hàng đầu, để góp phần xây dựng thị trấn văn minh đô thị được bền vững. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là làm sao để đời sống người dân được tốt lên, chất lượng hơn, xứng đáng thị trấn trung tâm của huyện”.
Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN