Còn nhiều vướng mắc, bất cập
Báo cáo từ KBNN Hải Dương cho biết, tính đến ngày 15/9, đơn vị đã thanh toán vốn đầu tư thuộc ngân sách địa phương được trên 365 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch. Tuy nhiên, vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách trung ương mới thanh toán được trên 94 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch.
Ông Nguyễn Hữu Y - Trưởng phòng Kiểm soát chi (KSC) KBNN Hải Dương cho biết, ngoài những khó khăn chung như nhiều địa phương trên cả nước, tại Hải Dương cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc riêng.
Cụ thể, quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “Việc phân bổ chi tiết và giao dự toán ngân sách cho các dự án phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm trước năm kế hoạch”. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn cho các dự án năm 2018 tại địa phương vẫn còn chậm.
Chính sự chậm trễ này đã làm cho các chủ đầu tư (CĐT), các ban quản lý dự án (QLDA) lúng túng, không biết các dự án có được phân khai bố trí vốn hay không. Đồng thời, việc phân khai chậm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đôn đốc giải ngân tại KBNN các cấp, áp lực giải ngân sẽ tăng vào các ngày cuối trong năm.
Hiện nay, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND phân cấp quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Dù mới ban hành, thực hiện đã phát sinh một số bất cập.
Đơn cử như: Đối với dự án sử dụng vốn NSNN do chủ tịch UBND cấp xã quyết định đầu tư, thì UBND cấp xã thực hiện vai trò của CĐT; đồng thời ký kết hợp đồng với ban QLDA để thực hiện quản lý dự án. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay chưa thành lập các ban quản lý chuyên ngành, ban QLDA khu vực theo các quy định hiện hành của Chính phủ.
Hiện nay, các dự án do UBND các xã quyết định đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 rất nhiều. Nhưng để thực hiện quy định hiện hành của UBND tỉnh thì UBND các xã không có đơn vị ban quản lý trên địa bàn để ký hợp đồng tư vấn quản lý dự án.
Thông tư số 185/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký và sử dụng mã số đơn vị quan hệ với ngân sách quy định: Mỗi dự án hoặc báo cáo kế toán kiểm toán được cơ quan tài chính cấp cho một mã dự án. Căn cứ vào đó, cơ quan tài chính nhập dự toán năm trên hệ thống TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), KBNN các cấp KSC trong phạm vi dự toán được giao.
Tuy nhiên, tại Hải Dương, một số dự án đã không chấp hành theo quy định này mà lại thực hiện gộp nhiều dự án và báo cáo kế toán kiểm toán (KTKT) để ghi chung vào một nội dung công việc cụ thể. Việc ghi kế hoạch vốn gộp đã gây khó khăn cho cơ quan tài chính (không biết phân bổ chi tiết cho dự án nào? số tiền là bao nhiêu?). Chính điều này đã khiến chủ đầu tư lại phải trình UBND tỉnh ra quyết định phân khai chi tiết.
Hay như Luật Xây dựng quy định, thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, dự án là cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng (trừ các dự án chuyên ngành thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành), đây là một trong những điểm mới của Luật Xây dựng. Tuy nhiên thực tế số lượng dự án đầu tư xây dựng hàng năm rất lớn, trong khi lực lượng cán bộ của cơ quan chuyên môn tại các bộ, ngành và địa phương chỉ có hạn, do đó đã xảy ra tình trạng có dự án sau 180 ngày vẫn chưa được thẩm định, gây chậm muộn cho các công việc tiếp theo khi triển khai dự án.
Cần phân bổ nguồn vốn đúng thời gian qui định
Từ thực trạng này, ông Y cho biết, KBNN Hải Dương đã đề nghị HĐND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, yêu cầu các cơ quan chuyên môn phân bổ các nguồn vốn theo đúng thời gian quy định của Bộ Tài chính.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai thành lập các ban QLDA chuyên ngành và ban QLDA khu vực. Đây chính là các đơn vị sự nghiệp thực hiện ký hợp đồng với các CĐT, giúp quản lý các dự án đầu tư xây dựng, đảm bảo các dự án triển khai đúng thủ tục pháp lý; nâng cao chất lượng công trình dự án; sớm đưa các dự án vào khai thác sử dụng.
Mặt khác, quyết định phê duyệt dự án hoặc báo cáo KTKT cần cụ thể hóa hình thức quản lý dự án, là cơ sở để KBNN kiểm soát, thanh toán nội dung chi phí này.
Ngoài ra, KBNN cũng đề nghị UBND tỉnh kiên quyết chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu trong việc ghi kế hoạch vốn đầu tư hàng năm. Việc ghi kế hoạch vốn bắt buộc phải căn cứ vào dự án hoặc báo cáo KTKT được duyệt.
Đây là cơ sở để cơ quan tài chính phân bổ dự toán trên hệ thống TABMIS và là căn cứ để KBNN các cấp KSC, hạn chế tối đa việc tạo ra một thủ tục hành chính mới do CĐT phải báo cáo UBND tỉnh phê duyệt phân bổ chi tiết./.
Vân Hà