Xe du lịch giảm mạnh
Lượng xe tiêu thụ trong tháng 4 được VAMA đưa ra là 21.942 xe. Trong đó dòng xe du lịch (xe con), đạt 10.705 xe bán ra, giảm đến 36% so với tháng trước đó; xe chuyên dụng đạt 1.675 xe, giảm 6%; chỉ có xe thương mại bán đạt 9.562 xe, tăng 15%.
Xét về nguồn gốc, cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc bán được đều bị sụt giảm mạnh. Cụ thể, xe lắp ráp trong nước tiêu thụ được 16.453 xe, giảm 10% so với tháng trước và xe nhập khẩu nguyên chiếc là gần 5.490 xe, giảm 35% so với tháng trước.
Do tháng 4 bất ngờ sụt giảm mạnh nên tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường cộng dồn 4 tháng đầu năm đạt mức 86.671 chiếc, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 52.305 chiếc, tăng 10%; phân khúc xe thương mại đạt 29.284 chiếc, giảm 8%; phân khúc xe chuyên dụng đạt 5.082 chiếc, giảm 18%.
Một điểm đáng chú ý nữa là số liệu báo cáo tiêu thụ ô tô 4 tháng đầu năm nay của VAMA cho thấy lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước giảm 5%, trong khi xe nhập khẩu lại tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này không ngoài dự đoán khi ô tô nguyên chiếc nhập về có chiều hướng tăng cao, nhất là từ khối ASEAN bởi thuế nhập khẩu từ khu vực này hiện chỉ còn 30% so với mức 40% của năm ngoái.
Nguyên nhân do đâu?
Kết quả này được cho là khá bất ngờ khi 3 tháng đầu năm lượng xe tiêu thụ tăng trưởng tốt, thị trường không có biến động gì lớn liên quan đến chính sách, thậm chí rất nhiều hãng xe theo “trào lưu” giảm giá, giảm giá sâu của một số mẫu sản phẩm của Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đã phải giảm giá, khuyến mại tặng quà…
Xét theo theo diễn biến thông lệ hàng năm, thị trường ô tô sẽ chỉ giảm vào tháng sau tết Nguyên đán (thường là tháng 2), sau đó từ tháng 3 trở đi sẽ tăng dần đến cuối quý 3 và tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Vì vậy việc kết quả tiêu thụ ô tô giảm trong tháng 4 dường như có vẻ bất thường.
Phân tích của một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, nguyên nhân tháng 4 có lượng xe tiêu thụ giảm là vì trước đó khách hàng có nhu cầu mua xe đều đã tranh thủ mua, nhất là giai đoạn trước và sau tết Nguyên đán.
Mặc dù chưa có chính sách gì mới liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô được ban hành song hiện Bộ Công Thương đang tích cực lấy ý kiến hoàn thiện Nghị định để thay thế nội dung quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT (theo dự kiến ban hành trước 1/7); Quy định thực hiện lộ trình khí thải từ 1/1/2017 vừa được “chốt” cuối tháng 3 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất và NK xe, nhất là xe tải, xe chuyên dụng; Bộ Tài chính cũng đang họp bàn, lấy ý kiến về việc điều chỉnh thuế TTĐB và lệ phí trước bạ với dòng xe bán tải, cũng như giảm thuế linh kiện NK…. Những thông tin này tác động không nhỏ đến tâm lý mua xe của người tiêu dùng.
Một thông tin tưởng "không liên quan" những cũng tác động đến lượng xe tiêu thụ trên thị trường, nhất là dòng xe sang. Đó là việc Tổng giám đốc Euro Auto, đơn vị hiện đang phân phối 2 thương hiệu xe sang là BMW và Mini tại thị trường Việt Nam vừa bị khởi tố, bắt tạm giam. Do đơn vị này đang trong giai đoạn cơ quan điều tra điều tra, xác định các hành vi vi phạm nên tạm ngừng NK sản phẩm, thậm chí một lượng xe lớn của doanh nghiệp này đang nằm tại cảng chưa được thông quan.
Việc giảm giá sâu một số dòng xe của Thaco kéo theo động thái giảm giá “không thể đừng được” của một số hãng (vốn từ trước đến nay không giảm giá) khiến khách hàng có tâm lý tiếp tục chờ giá giảm tới đáy. Mặt khác, một số liên doanh ô tô cũng ngưng lắp ráp một số mẫu xe kém cạnh tranh, chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ thị trường Thái Lan, Indonesia.
Nguyên nhân nữa, được các nhà kinh doanh chỉ ra, là có khả năng cao người tiêu dùng sẽ chờ mua xe vào năm 2018, thời điểm mà thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ giảm xuống còn 0% so với mức thuế hiện nay là 30%.
Vì vậy một nhận định (được cho là rất có cơ sở) cho rằng, năm nay tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam sẽ không cao, thậm chí có khả năng sẽ giảm 7-10% so với năm ngoái. Trước đó, nhiều thành viên của VAMA có đưa ra nhận định thị trường ô tô Việt Nam 2017 sẽ tăng trưởng ở mức 10-12%.