Bài 4:Tìm đường ra biển lớn
Làm thế nào để tận dụng vốn FDI hiệu quả nhất mà vẫn hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế đang là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm,ướctiếnmớkeo phap để đưa vùng đất chín rồng cất cánh.
Trong thu hút đầu tư, việc chọn lọc nhà đầu tư là rất quan trọng.
Cung cấp cái nhà đầu tư cần
Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 quốc gia có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ĐBSCL. Những doanh nghiệp Hàn Quốc hiện nay đang có xu hướng đang muốn đầu tư sang Việt Nam trong lĩnh vực logistics, công nghiệp hỗ trợ liên quan đến phụ tùng, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, công nghiệp thực phẩm… Còn phía Nhật Bản có những tỉnh về nông nghiệp rất mạnh và rất quan tâm ĐBSCL… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công thương, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, phải có sự đầu tư bài bản, dài hạn, rõ ràng thì mới thu hút được dòng vốn từ các doanh nghiệp xứ sở mặt trời mọc.
“Việc chọn lọc nhà đầu tư rất quan trọng. Chúng ta làm sao thu hút được chuỗi các doanh nghiệp trong một ngành nghề sản xuất, liên kết lại với nhau tạo thành vùng sản xuất. Vùng sản xuất sẽ tạo được hiệu ứng kinh tế vĩ mô. Ngoài hàm lượng về công nghệ thì chúng ta phải hình thành chuỗi giúp các doanh nghiệp liên quan tìm đến đầu tư. Không chỉ liên quan đến logistics mà còn liên quan đến chuyên môn, nhân lực”, ông Nguyễn Bá Hải nhấn mạnh.
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JETRO), cho hay: Các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm đầu tư tại Việt Nam, trong đó có ĐBSCL và xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất về đây. Để thu hút FDI, cần phát triển các khu công nghiệp và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Mặt khác, phát triển cộng đồng địa phương cũng góp phần tạo cơ hội để Việt Nam trở thành “thỏi nam châm” thu hút các công ty Nhật Bản.
“Khi cơ sở hạ tầng hoàn thiện, các tuyến đường, đặc biệt là cao tốc hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp việc kết nối được thông suốt thì ĐBSCL sẽ là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp Nhật Bản. JETRO đã và đang có động lực để tăng cường các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp máy móc. Khâu quản lý cần minh bạch hơn, hạ tầng kết nối vùng cần hoàn thiện, các dịch vụ hỗ trợ đời sống người dân, chuyên gia và người lao động quốc tế đến Việt Nam cần được quan tâm hơn”, ông Matsumoto Nobuyuki bày tỏ.
Cũng theo ông Matsumoto Nobuyuki, ĐBSCL cần có bệnh viện, trường quốc tế và các tiện ích khác để thu hút nhân lực quốc tế đến làm việc và sinh sống, vừa đóng góp vào phát triển vừa góp phần nâng cao tay nghề, trình độ cho lao động địa phương.
Còn ông Sungwook Cha, Trưởng Ban Korea Desk, Phó Tổng Giám đốc Văn phòng KOTRA tại Hà Nội, cho rằng: “Tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, tôi nghĩ lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đó là lĩnh vực nông nghiệp với công nghệ cao. Tuy nhiên đa số nhà đầu tư vẫn tập trung vào một số lĩnh vực khác như chế biến, chế tạo, phụ tùng ô tô, hóa chất hóa học… Tôi nghĩ đó là lĩnh vực mà các địa phương tại khu vực ĐBSCL có thể tập trung thu hút các nhà đầu tư”.
Ông Dixon Oh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore Việt Nam (SCCV), đề nghị cần có các cơ chế hỗ trợ, phát triển cấu trúc kinh tế, cơ cấu ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ để chúng ta theo kịp với các xu hướng phát triển kinh tế - xã hội.
“Chúng tôi mong muốn có thêm những cảng biển, cảng sông, để hỗ trợ các hoạt động logistics. Các tỉnh trong khu vực nên tập trung vào phát triển giáo dục, đào tạo để thu hút các nhà đầu tư. Chuyển dịch xu hướng sang hướng giáo dục nghề, gia tăng được năng suất của lao động cũng như ứng dụng công nghệ cao và các mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo sẽ góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa tại ĐBSCL”, ông Dixon Oh bày tỏ.
Đi chậm mà chắc
Để thu hút các doanh nghiệp FDI vào ĐBSCL, các chuyên gia cho rằng còn nhiều việc phải làm. Các địa phương cần xác định tầm nhìn chiến lược, tháo gỡ từng điểm nghẽn hiện hữu, biến không thành có, biến khó thành dễ, từng bước đưa vùng trở thành nơi hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
“Trong thu hút đầu tư, bài gom nhặt là rất quan trọng. Hiện nay, các nhà đầu tư giỏi, những người giàu họ đến làm việc có chất lượng, họ đòi hỏi 3 điều: xanh mướt từ A đến Z trong sản xuất, kinh doanh. Điện phải xanh. Cái thứ hai xanh mướt trong cuộc sống. Cái thứ ba, số phải tốt và cùng với cái đấy là chất lượng dịch vụ. Người giàu đến thì phải chất lượng dịch vụ cho họ nghỉ ngơi, giải trí, y tế, giáo dục cho tới gia đình, con cái họ. Cái này, chúng ta đang chạy sau Thái Lan và Malaysia rất nhiều”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh.
TS. Vũ Tiến Lộc cho biết thêm: Đối với chúng ta phát triển năng lượng sạch, không chỉ là lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, nhiều chục tỉ USD, mà vấn đề quan trọng là nó sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng cho chúng ta thu hút được các dòng đầu tư chất lượng cao trên thế giới. Bởi vì dòng đầu tư chất lượng cao bao giờ cũng đòi hỏi phải đảm bảo sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... Trong xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam là điểm đến được lựa chọn và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL là điểm đến được các nhà đầu tư rất chú trọng trong tương lai.
Thực trạng được nhận diện đúng, nguyên nhân cũng đã được các chuyên gia chỉ ra, vấn đề còn lại của các địa phương ĐBSCL là phải làm sao có chiến lược thu hút đầu tư, tư duy phát triển và các giải pháp phù hợp, đồng bộ là tăng cường thu hút FDI vào ĐBSCL trong thời gian tới.
Bài, ảnh: MỘNG TOÀN