【ti le bing da】Phải quy định rõ trách nhiệm của ngân hàng trong quản lý thuế
Quy định rõ các trường hợp ngân hàng phải cung cấp thông tin
Theo ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), dự thảo luật đã quy định rất cụ thể nhiệm vụ quyền hạn của các bộ, cơ quan trong dự thảo luật, đặc biệt là ngành Ngân hàng.
“Thời gian qua các ngân hàng thương mại đã cung cấp các thông tin về tài khoản DN, cá nhân khi cơ quan thuế có yêu cầu. Tuy nhiên trong thực tế, một cá nhân có thể có nhiều tài khoản khác nhau, nếu không kiểm soát chặt chẽ các tài khoản này sẽ gây thất thu thuế. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể cạnh tranh để đảm bảo về mặt khách quan, nhiều khi không cung cấp thông tin về tài khoản của khách hàng, nên cần có sự chỉ đạo, sự vào cuộc và phối hợp của chính quyền các cấp, các ngành để hỗ trợ cơ quan thuế trong quản lý thuế” - ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị.
Theo ĐB, dự thảo luật đã liệt kê các bộ có liên quan phối hợp quản lý thuế, tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn bởi trên thực tế vẫn còn một số bộ, ngành cũng phải có trách nhiệm liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế, nộp tiền vào ngân sách nhà nước (NSNN), như: Bộ Khoa học và Công nghệ có các hoạt động liên quan đến chuyển giao công nghệ; Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có các hoạt động liên quan đến du lịch tạo ra nguồn thu lớn cho NSNN…
Về nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại trong việc quản lý thuế, ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, cần có sự hài hòa giữa hai quy định này để không ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của ngân hàng.
“Tôi đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ trường hợp cung cấp thông tin; thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin và đặc biệt phải quy định chặt chẽ việc khấu trừ tiền trong tài khoản để nộp thuế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản” - ĐB Phạm Thị Thu Trang nói.
Quản chặt để chống chuyển giá trốn thuế
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung toàn diện trong công tác quản lý thuế theo xu hướng hiện đại hơn, hoàn thiện hơn, phù hợp với các chuẩn mực của quốc tế với mục đích để Luật Quản lý thuế lần này được triển khai một cách đồng bộ hơn.
“Điều chúng ta luôn luôn mong muốn là xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp trong việc tạo nguồn thu, quản lý nguồn thu và nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu một cách ổn định, bền vững. Vấn đề cải cách hệ thống thuế với cơ chế chính sách đồng bộ, thống nhất, phải bảo đảm sự minh bạch, tính công khai, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện với tính chất xuyên suốt” - ĐB Nguyễn Tạo nói.
ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) và một số ĐBQH đề nghị quy định cụ thể hơn để quản lý chặt việc chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách. “Về nguyên tắc quản ý thuế, tôi nhất trí với thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cần nghiên cứu thêm nội dung về áp dụng nguyên tắc giao dịch độc lập trong quản lý thuế đối với các phát sinh giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết nhằm chống chuyển giá và xói mòn nguồn thu từ các doanh nghiệp đa quốc gia” - ĐB nói.
Bao quát nguồn thu kinh doanh thương mại điện tử
ĐB Lê Quang Huy (Nghệ An) quan tâm đến thu thuế qua kinh doanh trò chơi trực tuyến, kinh doanh quảng cáo phần mềm, tài nguyên số, bán hàng, cung cấp dịch vụ qua mạng hiện nay có thu nhập rất lớn cần phải được bao quát đối với các nguồn thu từ hoạt động này.
“Thời gian qua chúng tôi đã chứng kiến nỗ lực thu thuế của ngành Thuế đối với vấn đề này, tuy nhiên trong thời gian tới cần quan tâm thích đáng, tránh thất thu cho ngân sách” - ĐB Lê Quang Huy nói.
ĐB cũng lưu ý, công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực này phải vừa thúc đẩy phát triển kinh doanh thương mại điện tử, vừa quản lý chặt chẽ để tránh thất thu ngân sách.
“Để khắc phục những khó khăn trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính (trong đó cơ quan thuế, hải quan), Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan, kể cả các công ty viễn thông, các tổ chức khai báo trung gian, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử…” - ĐB Lê Quang Huy đề xuất cụ thể hơn.
Do đó, ĐB đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu và xem xét nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho phù hợp trong điều kiện của nước ta.
Sau khi các ĐBQH thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến các ĐBQH và cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh sửa dự án luật có chất lượng cao nhất và tổ chức triển khai hiệu quả nhất./.
ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng): Xoá nợ để giải toả áp lực cho cơ quan thuế Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm một trường hợp rất vướng mắc hiện nay đó là nợ thuế của các DN thuộc Tập đoàn Vinashin. Theo ĐB, đối với các DN này, cơ quan thuế không thể có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký DN… nên khó khăn trong quản lý thuế. Do đó, ĐB đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền của Chính phủ cho phép khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính để giải toả áp lực lớn đối với cơ quan thuế trong việc quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. |
Minh Anh