Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group đã chia sẻ như vậy tại hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam” được tổ chức ngày 22/6. Ông Đỗ Hà Nam cho biết: “Chúng tôi làm nông sản khác thì bao nhiêu cũng được nhưng nói tới lương thực thì ngân hàng liền lảng tránh. Tại sao ngân hàng không căn cứ vào uy tín khách hàng mà cứ đi theo hướng khác. Theo tôi, ngân hàng cần thay đổi cách nhìn về doanh nghiệp”. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tân Long Group, với doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu nhiều năm như Tân Long thì không gặp khó khăn với các tài trợ về vốn nhờ các công cụ L/C hay thế chấp nguồn thu. Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng của người nông dân thì khó khăn hơn. “Tôi kiến nghị làm sao có cơ chế bơm được tín dụng cho người nông dân sản xuất hợp tác xã" - ông Trung đề xuất. Ông Nguyễn Tránh Chung cũng cho rằng khó khăn của doanh nghiệp nằm ở việc thu mua lúa của nông dân khi vào vụ mùa. Theo đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi liên kết, đa dạng nguồn vốn. Bên cạnh đó là biên độ thị trường đầu ra đầu vào biến động giá quá lớn so với các chi phí. Vì vậy, doanh nghiệp mong có mức lãi suất lãi suất đầu vào thấp hơn cho ngành lúa gạo. Theo ông Trung, trong tổng chi phí vận hành chạy máy, chi phí lãi cho vốn ngắn hạn chiếm tới hơn 50%, còn lương công nhân chỉ 20%, điện 20%. Việc giảm lãi suất vốn vay sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được đáng kể chi phí, từ đó cạnh tranh tốt hơn. Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ - Hội sở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lý giải việc ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay đối với ngành lúa gạo là do ngân hàng cũng giống doanh nghiệp, hoạt động dựa trên sự an toàn và hiệu quả, đề cao tính trách nhiệm trên đồng vốn huy động được. Vì thế, mỗi đầu tư cần cân nhắc kỹ. Ông Phong thừa nhận nông dân tiếp cận được vốn khó hơn so với doanh nghiệp sản xuất hay xuất khẩu nông sản. Bởi lẽ mối liên kết của ngân hàng với nông dân chưa cao, tính cam kết của hợp đồng nông nghiệp, bao tiêu đầu ra còn thấp. “Ví dụ nông dân ký hợp đồng rồi nhưng khi giá biến động là tự huỷ. Ngân hàng không yên tâm bởi sự biến động vậy" - ông Phong nói. Theo đó, ông Phong khuyến nghị, để được cung cấp nguồn vốn, nông dân cần có những hợp đồng có điều khoản về bao tiêu sản phẩm, đảm bảo giá mua giúp người nông dân giảm rủi ro. Hợp đồng này giúp ngân hàng bỏ vốn cho người nông dân đầu tư làm nông nghiệp. “Ví dụ, chỉ cần nông dân có hợp đồng cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp nông nghiệp lớn là chúng tôi sẵn sàng giải ngân lên tới 70-80% tổng tiền vay ngay lập tức” – ông Phong khẳng định. Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp chưa mạnh, xứng tầm để ngân hàng cung cấp vốn cho nông dân thông qua hợp tác xã. Hợp tác xã phải giúp về kiến thức, quản trị, kỹ năng… cho nông dân. Khi đó, ngân hàng có thể cân nhắc cho nông dân vay thông qua đối tác hợp tác xã. |