Phế liệu nhựa trộn “rác” điện tử
Khai báo trên tờ khai hải quan nhập khẩu phế liệu nhựa ngày 13/3,rácnhà cai tại cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phối hợp với Ban Giám sát trực tuyến- Tổng cục Hải quan, C74- Bộ Công an và PC 46- Công an TP.HCM kiểm tra thực tế 2 container này phát hiện chứa nhiều bo mạch điện tử các loại đã qua sử dụng.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, lô hàng này do Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM đứng tên mở tờ khai hải quan. Sau khi lô hàng cập cảng Cát Lái vào cuối năm 2017, qua công tác theo dõi, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 có thông tin nghi vấn nên đã thực hiện khóa 2 container này, giám sát trọng điểm, mời doanh nghiệp xuất trình hàng hóa để kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, sau nhiều tháng không xuất trình hàng hóa cho cơ quan Hải quan, ngày 13/3, đại diện Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM đã xuất trình hàng hóa và chứng kiến việc kiểm tra của cơ quan Hải quan. Qua kết quả kiểm tra, phần nhiều trong số 33 tấn hàng hóa chứa trong container là bo mạch điện tử - thuộc danh mục hàng chất thải nguy hại cấm nhập khẩu được quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM nằm trong khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, chuyên gia công, sản xuất các loại nhựa. Doanh nghiệp này vận hành và sử dụng nguyên liệu đốt là các bo mạch điện tử để làm nguyên liệu sản xuất các khuôn mẫu. Cuối năm 2016, công ty này đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ký Quyết định số 2152/QĐ-XPVPHC xử phạt hành chính 250 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, buộc công ty tái xuất hoặc tiêu hủy số lượng phế liệu nhập khẩu chưa được phân loại, làm sạch theo quy định (phế liệu không được làm sạch gồm các bo mạch điện tử, quạt có lẫn đồng).
Liên tục vi phạm
Không chỉ có 2 lô hàng nêu trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện và ngăn chặn 15 container phế liệu nhập khẩu của Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM chứa bo mạch điện tử, đầu thu phát sóng - thuộc hàng cấm nhập khẩu. Cụ thể, ngày 3/1/2017, tại cảng Phước Long- Thủ Đức, Đội Kiểm soát Hải quan đã thực hiện khám xét 4 container phế liệu nhập khẩu của Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM, phát hiện toàn bộ hàng hóa chứa trong container là phế liệu điện tử thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Trong đó, ngoài 1 container chứa đầy các bo mạch điện tử, 3 container còn lại chứa các đầu thu phát sóng dùng trong truyền hình…, tất cả đều cũ nát. Toàn bộ số phế liệu điện tử này có xuất xứ từ Mỹ, đây là phế liệu được thải bỏ, các đối tượng tổ chức thu gom để đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Trước đó, Đội kiểm soát Hải quan đã chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, PC46 Công an TP.HCM thực hiện quyết định khám xét 11 container phế liệu nhập khẩu từ Hồng Kông và Mỹ về cảng Phước Long- Thủ Đức. Trong số 11 container hàng này, có 6 container doanh nghiệp đã mở tờ khai hải quan. Trên tờ khai hải quan, doanh nghiệp khai báo mặt hàng nhập khẩu là đồng phế liệu. Tuy nhiên, sau khi mở tờ khai hải quan, doanh nghiệp không đến làm thủ tục nhận hàng. Đội Kiểm soát Hải quan đã ban hành Quyết định khám xét toàn bộ lô hàng theo quy định của pháp luật. Qua khám xét container đầu tiên chứa hàng điện tử là đầu thu phát sóng, đầu đĩa đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.
Sau khi 6 container phế liệu bị cơ quan Hải quan khám xét, tạm giữ, 9 container phế liệu về tiếp sau đó, doanh nghiệp từ chối nhận lệnh giao hàng, từ chối hàng nhập khẩu mặc dù trên vận đơn vẫn thể hiện người nhập khẩu là Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM.
Với hành vi vi phạm nêu trên, sau khi trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM, buộc tiêu hủy toàn bộ số phế liệu nhập khẩu. Mặc dù đã bị đưa vào danh sách doanh nghiệp kiểm tra trọng điểm, nhưng Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM vẫn tiếp tục vi phạm đưa “rác” điện tử về Việt Nam.